Để ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp, chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở, bầu ban quản trị chung cư như ‘cánh tay nối dài’ để trục lợi, HoREA đã kiến nghị về tỷ lệ người tham dự hội nghị chung cư lần đầu.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị về tỷ lệ người tham dự hội nghị chung cư lần đầu.
Phải đảm bảo 50% chủ sở hữu căn hộ
Mới đây, trong văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan tới dự thảo "Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư" của Bộ Xây dựng, HoREA đã có kiến nghị về tỷ lệ người tham dự hội nghị chung cư lần đầu.
Cụ thể, HoREA cho rằng: Hội nghị nhà chung cư phải có sự tham gia tối thiểu của 50% chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao nhà. Nếu không đủ con số 50% này thì vẫn tổ chức họp hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu căn hộ không tham dự.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA: “Việc lấy ý kiến các cư dân sẽ thực hiện bằng văn bản. Theo đó, ý kiến bằng văn bản phải có chữ ký của những người được gửi lấy ý kiến. Hội cũng khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến”.
Việc lấy ý kiến của chủ sở hữu không tham dự hội nghị phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, ông Châu cho biết thêm.
Nguy cơ giả ý kiến bằng văn bản cao
Đánh giá về kiến nghị của HoREA, một số chuyên gia bất động sản ở TP.HCM cho rằng, đề xuất hội nghị nhà chung cư phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự là thiếu tính thực tế và không sâu sát đời sống chung cư hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành TP.HCM cho rằng: “Hội nghị chung cư lần đầu đảm bảo 50% cư dân là chưa biết ở chung cư là gì. Nhiều chung cư có 20% thì sao? Nếu lấy ý kiến bằng văn bản mà người dân không trả lời thì sao?”.
“Có những trường hợp giả ý kiến bằng văn bản, cư dân không đồng ý nói họ đồng ý thì sao? Nếu lần đầu không đạt được 50% thì lần sau 20% cũng chấp thuận vì đó là thực tế. Càng họp cư dân càng teo dần vì đi họp không được gì thì đi làm chi”, ông Đực cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý nhà toàn cầu Global Home nói rằng, trường hợp không đạt 50% thì xin ý kiến tổ chức hội nghị lần tiếp theo.
Trên thực tế, tỷ lệ 50% là rất khó. Ví dụ như một số chung cư ở vùng biển du lịch, người mua đầu tư là chủ yếu khi đó nhiệm vụ đáp ứng con số 50% cư dân là gần như không thể.
“Chuyện này giống như họp đại hội cổ đông. Như vậy mình nên phát hành giấy ủy quyền. Khi đó cư dân ủy quyền cho tổ chức hay ban quản lý, cá nhân nào đó biểu quyết thay”, ông Thành nhận định.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu lấy ý kiến bằng văn bản sẽ xuất hiện tình trạng làm giả giấy ý kiến. Đi vào thực tế một số chung cư thì hợp lý nhưng nhìn góc độ làm luật bao trùm cho cả nước là kẻ hở để lách luật.
“Việc lấy ý kiến bằng văn bản chỉ phù hợp với việc bầu bổ sung, miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên ban quản trị”, ông Nguyễn Duy Thành chỉ rõ.
Theo Công Hưng/Vietnamnet.vn