Chủ nhật 15/09/2024 10:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

JICA đối thoại với VECAS về quản lý chất lượng, an toàn và dự toán chi phí

15:25 | 21/04/2016

(Xây dựng) - Chiều 20/4, tại Hà Nội, ông Phạm Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cùng ông Masafumi Yamauchi, trưởng đoàn Dự án Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đồng chủ trì Hội nghị đối thoại giữa JICA với Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) cùng các doanh nghiệp hoạt động tư vấn về dự thảo 3 nội dung đầu ra: Kế hoạch chuẩn quản lý chất lượng, kế hoạch chuẩn quản lý an toàn và hướng dẫn chung lập dự toán chi phí gián tiếp trong dự toán xây dựng công trình.


Toàn cảnh hội nghị đối thoại.

Sau khi nghe các thành viên Ban soạn thảo trình bày nội dung của 3 đầu ra, hội nghị đã nhận được sự đóng góp ý kiến trực tiếp của các doanh nghiệp: Cty CP Tư vấn thiết bị công nghệ và kiểm định xây dựng (CONINCO), Cty CP Tư vấn xây dựng công trình vật liệu xây dựng, Tổng Cty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Cty CP Tư vấn đầu tư phát triển và xây dựng Thikeco, Cty TNHH MTV Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng (Bộ Quốc phòng), Cty CP Đầu tư xây dựng phát triển Đông Đô, Cty CP Tư vấn và đầu tư Hà Minh,…

Tổng kết các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Văn phòng VECAS cho rằng, mục tiêu cao nhất của tất cả doanh nghiệp là công tác xây dựng ở Việt Nam ngày càng tốt hơn lên, tương ứng với các công việc ngày càng được cải tiến.

Cụ thể, về công tác quản lý chất lượng, quản lý an toàn tuân theo khuyến nghị của Nhật Bản là rất đúng, trên cơ sở căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy trình, văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng các công tác này. Tuy nhiên, nên đi từ tổng thể là quy trình chung, sau đó chia ra làm các phần nhỏ như các sổ tay.

Có thể khẳng định công tác an toàn phụ thuộc rất lớn vào vai trò của nhà thầu, bởi vì đó là trách nhiệm của họ, còn tất cả việc giám sát hay sự liên quan của các bên chỉ là công tác bên ngoài. Do đó, cần đưa ra giải pháp tối đa về vấn đề an toàn. Muốn an toàn tốt thì thì phải có sự trang bị tốt, cũng như sự tuân thủ tốt của tất cả các bên, mà ở đây chủ yếu là sự giám sát của bản thân nhà thầu và các cán bộ, người lao động của nhà thầu tại công trường, cũng như sự tuân thủ các quy trình, quy phạm liên quan đến công tác an toàn.

Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, việc thưởng, phạt trong công tác an toàn rất tốt, chính sách an toàn ở công trường cũng rất tốt. Mỗi một tuần có một chủ đề cho công tác an toàn, hay bao nhiêu giờ an toàn, hay thi đua an toàn giữa từng tổ đội với nhau. Đây cũng là những nội dung cần lưu ý để áp dụng cho Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thu Hằng cũng cho biết, đối với việc quản lý chi phí và giám sát chi phí, không chỉ làm nội bộ trong một nhà thầu, một nhà tư vấn hay là một chủ đầu tư, mà cần có rất nhiều bên liên quan. Do đó, công tác chi phí nói chung và công tác dự toán, cố gắng dự toán một cách tối đa nhất, nếu không thể tính toán được phải gói vào một gói, không nên đưa ra cái gọi là “chi phí khác”, bởi nếu đưa vào chi phí khác thì rất nguy hiểm, rất khó thực hiện cho các địa phương, dễ gây khó hiểu, nhầm lẫn ở mỗi một cấp phê duyệt.

Và cuối cùng, bà Phạm Thị Thu Hằng mong muốn những kết quả của dự án được tuyên truyền rộng rãi tới tất cả các doanh nghiệp, những người thực hiện.

Ông Masafumi Yamauchi, Trưởng đoàn Dự án cho biết, đoàn công tác của dự án sẽ cố gắng nghiên cứu, cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng ý kiến của Hiệp hội tư vấn cũng như các doanh nghiệp tư vấn, để lồng ghép tối đa các ý kiến vào nội dung các sản phẩm đầu ra.


Ông Masafumi Yamauchi (giữa), Trưởng đoàn Dự án JICA cùng các thành viên trong đoàn.

Việc phổ biến và nhân rộng kết quả dự án đã nằm trong kế hoạch từ ban đầu của dự án, đó là các chương trình hội thảo, công tác đào tạo được tổ chức tại 3 vùng miền trên toàn quốc với sự tham gia của tất cả các chủ thể trong ngành xây dựng, từ chủ đầu tư cho đến các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu cũng như một số cơ quan quản lý nhà nước (như các sở xây dựng).

Đối với vấn đề đào tạo, ban đầu đoàn chuyên gia của Nhật Bản sẽ trực tiếp đào tạo, sau đó các cơ quan khác của Bộ Xây dựng sẽ tiếp nối công tác này. Do vậy, thông qua công tác đào tạo này năng lực sẽ được tăng cường không những đối với các cán bộ trực tiếp tham gia dự án mà cả với  những chủ thể của ngành Xây dựng.

Ông Masafumi Yamauchi cũng hi vọng Bộ Xây dựng sẽ xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo hoặc kế hoạch cập nhật những kết quả của dự án một cách phù hợp và hiệu quả nhất, bởi tài liệu hướng dẫn của dự án chỉ mang tính thời điểm, còn thị trường lên xuống như thế nào thì các cơ quan, đơn vị của Việt Nam phải cập nhật kịp thời, phù hợp. Kỳ vọng, sau khi kết thúc dự án, các chuyên gia tham gia trực tiếp vào dự án cũng như các Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng có những hoạt động, chính sách phù hợp để hiệu quả của dự án kéo dài hơn.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load