Đó là thông báo chính thức tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) năm 2006 -2010 và định hướng phát triển đến năm 2011 - 2015 vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 07/4, do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì. Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành nằm trong 4 VKTTĐ trong cả nước tham dự.
Tăng trưởng bình quân GDP và thu nhập bình quân đầu người của vùng kinh tế trọng điểm cao hơn bình quân cả nước.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong 5 năm qua, 4 VKTTĐ của đất nước bao gồm: VKTTĐ Bắc bộ, VKTTĐ phía Nam, VKTTĐ miền Trung và VKTTĐ ĐBSCL luôn là vùng động lực có chức năng đầu tàu định hướng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của các tỉnh, thành trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của các VKTTĐ đạt gần 11%, trong khi bình quân của cả nước chỉ 7%. Trong đó, VKTTĐ Bắc bộ đạt 11,94%/năm, VKTTĐ phía Nam đạt 9,3%/năm, VKTTĐ miền Trung đạt 11,6%/năm, VKTTĐ ĐBSCL đạt 12,59%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của các VKTTĐ đạt 34,6 triệu đồng (gấp 1,36 lần so bình quân cả nước); cơ cấu kinh tế các vùng chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực cho sự phát triển chung của cả nước; Tổng thu ngân sách giai đoạn 2006 - 2010 của các VKTTĐ đạt hơn 2.093 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,7% cả nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng: Các VKTTĐ vẫn chưa tạo được sự tăng tốc và nâng cao sức cạnh tranh, các nhân tố phát triển còn tập trung theo chiều rộng, chưa chú ý đến chiều sâu dẫn đến chất lượng và hiệu quả so với đầu tư còn thấp; VKTTĐ chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, dẫn đến sức cạnh tranh kém ngay trên thị trường nội địa; sức lan tỏa của các VKTTĐ đến các địa phương lân cận còn hạn chế, chuyển dịch lao động chưa hướng đến nâng cao chất lượng có tay nghề cao, dẫn đến thu nhập thấp và thất nghiệp còn nhiều. Kết cấu hạ tầng tuy được tập trung cải thiện nhưng chưa đồng bộ, dẫn đến chưa phát huy được liên kết phát triển vùng và nội vùng. Ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, giáo dục đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực. Nguyên nhân, do công tác điều phối chưa nhịp nhàng (thiếu nhạc trưởng), nhiều chương trình đã đề xuất nhưng chưa được xử lý như: Cơ chế chính sách về hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong VKTTĐ và liên kết giữa các VKTTĐ với nhau trong đó có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng lãnh thổ, VKTTĐ và quy hoạch phát triển ngành còn chậm được triển khai phê duyệt.
Để thực hiện tốt định hướng phát triển các VKTTĐ và kế hoạch điều phối giai đoạn 2011 - 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương và bộ, ngành phải khắc phục sớm những hạn chế, tập trung khai thác lợi thế cạnh tranh của từng vùng, quy hoạch phát triển ngành phải hướng đến phát triển bền vững, sản phẩm phải nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng hàm lượng trí tuệ, các vấn đề thiếu đồng bộ, môi trường khí hậu biến đổi, vận tải hàng hóa thông qua phát triển cảng biển và đường sông, kết nối hạ tầng giao thông giữa các vùng cần phải được tháo gỡ. Mục tiêu trong 5 năm tới vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an sinh xã hội, nên việc đầu tư các địa phương và VKTTĐ cũng không nên chỉ chờ vào ngân sách, cần phải huy động thêm các nguồn lực thông qua các mô hình đầu tư, BOT, BT, PPP... Trong đó VKTTĐ cần đi đầu về tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại DN nhằm tháo gỡ khó khăn. Giáo dục đào tạo phải gắn với sử dụng, dựa vào thực tế địa phương và phù hợp với các VKTTĐ.
Trường Ca - Duy Khương
Theo baoxaydung.com.vn