Thứ bảy 20/04/2024 19:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

IEEFA: Quy hoạch điện VIII cần thận trọng với kỳ vọng về nguồn vốn cho điện than

16:50 | 29/09/2021

(Xây dựng) – Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã gây bất ngờ khi tăng mức công suất lắp đặt mục tiêu cho nhiệt điện than lên 40GW vào năm 2030, và bổ sung thêm 10GW cuối cùng trước năm 2035. Kế hoạch này có thể đứng trước nhiều rủi ro về nguồn vốn và triển khai xây dựng sau khi Trung Quốc tuyên bố ngừng tài trợ vốn cho các dự án điện than ở nước ngoài.

ieefa quy hoach dien viii can than trong voi ky vong ve nguon von cho dien than
Mục tiêu phát triển nhiệt điện than của Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn khi Trung Quốc tuyên bố ngừng tài trợ cho điện than (Ảnh: Internet).

Báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài Chính (IEEFA) đã xem xét cả nguồn tài trợ từ nước ngoài và khả năng tự cấp vốn của Việt Nam cho các dự án nhiệt điện than phát triển mới theo Quy hoạch điện VIII.

Đối với nguồn vốn từ bên ngoài, các quốc gia tài trợ hàng đầu cho Việt Nam đã có những thay đổi chính sách theo hướng siết lại dòng vốn chảy vào các dự án điện than. Điều này sẽ khiến công suất điện than dự kiến bổ sung trong thập kỷ tới theo Quy hoạch điện 8 rất khó khả thi.

Trong giai đoạn 2015-2021, có tới 10/12 dự án nhà máy nhiệt điện than đã hoàn thành ký kết thoả thuận vay vốn tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ 3 nhà tài trợ hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhưng trong số 30GW công suất nhiệt điện than dự kiến xây mới tới năm 2035, IEEFA đánh giá chỉ có chưa đến 12GW có thể thực hiện do thuộc các dự án đã trong quá trình thi công xây dựng, hoặc đã có quyết định cuối cùng về tài chính. Khoảng 18GW công suất còn lại sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn về nguồn cung cấp vốn do những thay đổi trong chính sách tài trợ điện than của các nhà đầu tư lớn và Chính phủ các nước mới ban hành trong thời gian gần đây.

Ngày 21/9/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức tuyên bố quốc gia này sẽ chấm dứt tài trợ xây dựng nhiệt điện than mới ở nước ngoài, sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc đưa ra những tuyên bố tương tự vào đầu năm nay.

Do đó, IEEFA nhận định rằng, việc trông chờ vào nguồn vốn từ các ngân hàng Trung Quốc và các nhà thầu thiết bị của nước này đối với các dự án điện than sắp tới có thể là một sự đặt cược đầy rủi ro đối với Việt Nam.

Theo IEEFA, một số dự án điện than lớn tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ phong trào rút lui khỏi ngành điện than nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm dự án nhà máy điện Nam Định 1, Sông Hậu 2, An Khánh Bắc Giang, Công Thanh và Vĩnh Tân 3. Đây là các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng có chủ đầu tư hoặc cam kết về vốn vay từ các ngân hàng Trung Quốc.

Báo cáo của IEEFA cũng lưu ý rằng, tất cả các dự định về việc tự triển khai xây dựng các nhà máy điện than tại Việt Nam cần phải được xem xét cẩn trọng. Khác với các doanh nghiệp cùng ngành tại Indonesia hay Philippines, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không có điều kiện tiếp cận thị trường vốn quốc tế để vay vốn giá rẻ, do mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam còn thấp. Hơn nữa, các nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ không mặn mà hỗ trợ EVN triển khai các dự án điện than khi các giải pháp năng lượng sạch với chi phí cạnh tranh đang sẵn có để khai thác tại Việt Nam.

Mặt khác, các ngân hàng trong nước cũng đóng vai trò rất hạn chế trong việc xây dựng các nhà máy điện than ở Việt Nam. Nguyên nhân là các ngân hàng thường bị hạn chế về nguồn vốn dài hạn, lãi suất cho vay cao và hạn mức cho vay thấp.

Trong khi đó, nguồn tín dụng toàn cầu dành riêng cho phát triển bền vững ngày một dồi dào và có nhiều tiềm năng đem lại dòng vốn cần thiết cho Việt Nam mở rộng phát triển năng lượng tái tạo và hạ tầng lưới điện, từ đó mang lại nguồn điện ổn định với chi phí hợp lý.

Nhưng với lựa chọn bổ sung thêm công suất điện than trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang “từ chối” các nhà đầu tư uy tín trên thế giới vào năng lượng sạch có khả năng hoàn thành các dự án điện với mức chi phí cạnh tranh.

Chính vì vậy, IEEFA cho rằng, để giải quyết bài toán duy trì giá điện rẻ, Việt Nam cần ban hành những chính sách thúc đẩy các nhà đầu tư đem lại nguồn điện tái tạo với giá thành cạnh tranh hơn, thay vì chú trọng phát triển nguồn điện chạy nền với các nhà máy điện than mới.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load