- Những chuyện ít biết quanh Di sản thế giới thành nhà Hồ (kỳ 1)
- Kỳ bí đôi rồng đá mất đầu ở di sản thành nhà Hồ (kỳ 2)
Bên cạnh thành nhà Hồ hiện nay đang tồn tại một ngôi đền thờ nàng Bình Khương với huyền tích “nàng Bình Khương đập đầu vào phiến đá đến chết để kêu oan cho chồng vì bị nhà vua chôn sống khi xây bức tường thành đổ vỡ”. Ngôi đền này đã trải qua hơn 600 năm nay, nhưng dường như ít ai biết đến.
Chuyện nàng Bình Khương kêu oan
Ngôi đền tọa lạc bên bờ Thành thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc). Ngôi đền này tồn tại hơn 600 năm nay, nhưng dường như chỉ có người địa phương mới biết đến. Vào những ngày rằm hàng tháng, người dân làng Đông Môn lại đến thắp hương cầu được bình an, hạnh phúc, ấm no. Hiện ở ngôi đền đang lưu giữ một phiến đá kỳ lạ có in hình giống như đôi bàn tay và chiếc đầu của một người phụ nữ, mà người dân cho rằng đó là vết tích đập đầu tự tử kêu oan cho chồng của nàng Bình Khương.
Ngôi đền nàng Bình Khương.
Gặp chúng tôi, ông Vũ Đình Soén, người trông coi đền kể lại câu chuyện huyền tích về mối tình thủy chung son sắc của nàng Bình Khương và chàng Cống Sinh cho chúng tôi nghe.
Vào thế kỷ 14, khi giặc Minh đang lăm le xâm chiếm cửa ải phía Bắc, những ngọn hỏa hiệu vùng biên ải Cao Bằng, Lạng Sơn mấy lần báo cháy khiến vua quan nhà Trần không khỏi lo sợ.
Đoạn tường thành mà chàng Cống Sinh xây bị xập.
Để nhanh chóng dời đô từ Thăng Long về đất An Tôn (Thành nhà Hồ bây giờ), Hồ Qúy Ly đã huy động quân dân ngày đêm xây thành, đắp lũy. Thời ấy, ở vùng đất này có chàng Cống sinh Trần Công Sỹ là người được Hồ Qúy Ly tin tưởng, giao phó trọng trách giám sát, đốc thúc xây bức tường thành ở phía Đông.
Phụng theo ý vua, dân quân nơi đây làm việc ngày đêm không nghỉ để đảm bảo tiến độ 3 tháng phải hoàn thành "kinh đô bất khả chiến bại". Trong lúc nước sôi lửa bỏng, các bức tường thành khác đã hoàn thiện, đảm bảo thi công thì đoạn thành phía Đông do Trần Công Sỹ phụ trách xây gần xong lại sập không rõ nguyên nhân.
Tình thế ngàn cân treo sợi tóc, thành chưa xây đã đổ khiến cho nhà vua tức giận vô cùng. Nghi ngờ Trần Công Sỹ mưu phản, cố ý chậm trễ công việc xây thành, Hồ Quý Ly bèn hạ lệnh cho quân lính chôn sống chàng vào vị trí bức tường thành bị đổ.
Nơi chàng Cống Sinh bị chôn sống.
Nghe tin chồng bị xử oan, nàng Bình Khương vô cùng đau xót, tức tốc khăn gói đi kêu oan, tìm xác chồng. Đến nơi chồng bị chôn sống, Bình Khương quá tức giận trước cảnh trái oan nên đã liều mạng lao tới bức tường đá, dùng toàn bộ sức lực để xô đổ những tảng đá, mong tìm thấy xác của người chồng. Quyết tâm tìm bằng được xác chồng để kêu oan, nàng Bình Khương hết lần này đến lần khác cứ thế lao vào tường đá đến nỗi khắp người bầm tím. Kiệt sức nhưng bức tường vẫn không hề rung chuyển, những giọt máu tươi trên tay nàng Bình Khương đầm đìa chảy thành dòng in trên bức tường đá.
Cuối cùng, chẳng còn cách nào khác, Bình Khương đành liều mạng đập đầu vào tường đá tự vẫn theo chồng. Cũng từ đó, phiến đá nơi nàng tuẫn tiết in rõ dấu vết đầu người và đôi bàn tay cào xé. Cảm thương trước tấm lòng thủy chung, sắt son, người dân nơi đây đã lập đền thờ nàng ở sát vách tường phía cửa Đông thành An Tôn.
Phát hiện xương cô gái bên đền thờ
Sau khi thành lập đền thờ, để tưởng nhớ nàng Bình Khương người dân đã đưa phiến đá vào trong ngôi đền để thờ tự.
Theo người dân nơi đây, ngôi đền này rất linh thiêng. Vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng người dân trong làng lại tới thắp hương cầu được mạnh khỏe, hạnh phúc như mối tình thủy chung của nàng Bình Khương. Nhất là những đôi bạn trẻ đang yêu nhau, họ thường xuyên đến cầu hạnh phúc.
Bên cạnh hình đầu của nàng còn có hai vết tay hai bên.
Ông Soén bảo, hiện nay trong đền đang thờ phiến đá có in hình vết đầu của nàng Bình Khương đập đầu tự tử. Bên cạnh hình đầu của nàng còn có hai vết tay hai bên.
Bản thân ông Soén cũng chỉ nghe lại câu chuyện tương truyền như vậy. Nhưng bằng thực tế hiện trường còn lại rất khớp với câu truyện hàng trăm năm trước, đơn cử là việc đoạn tường thành do Chàng Cống Sinh xây dựng bị sụt lún vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó là miếu thờ (mộ nơi chàng Cống Sinh bị chôn sống).
Phiến đá hình đầu người và đôi bàn tay mà nàng Bình Khương đập đầu tự tử kêu oan cho chồng.
Ngày 01/9/2009 (âm lịch), khi đền thờ được tôn tạo lại thì trong lúc ông Soén đang cho hai công nhân đào móng phía cung điện chính thì phát hiện một bộ xương người, ông Soén đã báo cáo lên Ban quản lý di tích và mời sư thầy về làm lễ thì sư thầy nói đây là xương người con gái. Cho rằng đó là bộ xương của nàng Bình Khương tự tử ngày đó nên sư thầy đã cho bốc mộ và cải táng ngay tại vị trí phát hiện. Đến nay, ngôi mộ của nàng Bình Khương được đặt ngay sau đền của bà và nằm dưới vị trí chàng Cống Sinh bị chôn sống.
Từ đó đến nay, tại đền thờ nàng Bình Khương, hằng năm cứ đến ngày 01/9 âm lịch, người xã Vĩnh Long lại góp lễ vật tổ chức tiệc tùng linh đình để tế nàng Bình Khương.
Sau đền, phía dưới nơi chàng Cống Sinh bị chôn sống phát hiện bộ xương người con gái được cho là của nàng Bình Khương.
Ngày nay, nhắc tới đền thờ và câu chuyện của Bình Khương người dân Vĩnh Long ai cũng tự hào và tỏ lòng thành kính.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết: "Ngôi đền cổ đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân nơi đây cũng như du khách thập phương. Hằng năm, có rất nhiều những khách thập phương về đây thăm quan, dâng hương để cầu mong hạnh phúc lứa đôi. Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục trùng tu để ngôi đền cổ mãi là niềm tự hào của người dân Vĩnh Lộc, của người xứ Thanh".
Theo Lê Dương/Vietnamnet.vn
Theo