Thứ sáu 29/03/2024 22:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Huyện đầu tiên đạt chuẩn ở Đồng Tháp

12:18 | 13/10/2020

Trong xây dựng nông thôn mới người dân huyện Tháp Mười đã tự nguyện đóng góp xây dựng khoảng 40%, với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng, cùng nhiều giá trị tinh thần khác.

huyen dau tien dat chuan o dong thap
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan (bìa trái) trao Quyết định công nhận huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện Tháp Mười đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Bà Trần Thị Quý, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết: Sau hơn 9 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, huyện Tháp Mười đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Theo đó, đến cuối năm 2019, toàn huyện có 12/12 xã (100%) được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Tháp Mười có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao (đạt trên 55 triệu đồng/người/năm), chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện, và người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.

Người dân Tháp Mười đã tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới khoảng 40%, với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng, cùng nhiều giá trị tinh thần khác.

Trong nông nghiệp, nông dân Tháp Mười đã ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất như: Mô hình “Canh tác lúa lý tưởng sử dụng phân bón thông minh”, “Sản xuất lúa theo hướng VietGAP”, “Trạm bơm điện giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất”, “Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh”, “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP”...

Hệ thống giao thông đường bộ huyện ngày càng hoàn thiện phủ đều khắp trên địa bàn huyện phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là phục vụ tốt cơ giới hóa trong nông nghiệp…

huyen dau tien dat chuan o dong thap
Tháp Mười phát triển nông nghiệp là nhân tố góp phần vào xây dựng nông thôn mới của huyện sớm về đích. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Với truyền thống của một huyện Anh hùng trong kháng chiến và anh hùng trong Đổi mới, gần 40 năm trước, Tháp Mười đã lập nên kỳ tích trong công cuộc tiến công khai phá Đồng Tháp Mười, cuộc cách mạng vô cùng quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, biến vùng đất chua phèn, hoang hóa mà chính các chuyên gia nông nghiệp thế giới đã khẳng định không thể trồng lúa trở thành vựa lúa lớn của cả nước.

“Để có một Tháp Mười phát triển mạnh mẽ như hôm nay, đó chính là nhờ bà con nơi đây đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất; thanh niên Tháp Mười phát huy sức trẻ đi đầu trong khởi nghiệp và tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Để thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tháp Mười tiếp tục hoàn thiện và nâng chất hơn trong thời gian tới, riêng lãnh đạo địa phương phải có khát vọng trong việc xây dựng quê hương giàu mạnh hơn, đời sống người dân được nâng cao hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.

Ghi nhận những nỗ lực và thành quả đạt được trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” huyện Tháp Mười, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trên địa bàn huyện. Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười tặng giấy khen cho 38 tập thể, 84 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, Đồng Tháp có 78 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 (chỉ tiêu là 61 xã), 29 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 10 xã đạt 14 tiêu chí, không còn xã đạt 13 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2020 có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với cấp huyện, Đồng Tháp hiện có 4 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự) và huyện Tháp Mười đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Lê Hoàng Vũ/Nongnghiep.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load