Thiếu vắng thương hiệu bản sắc
Với dân số hiện nay lên đến gần 90 triệu người trong đó 50% là dân số trẻ, mức độ tập trung tại khu vực thành thị cao, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện hiện đại, Việt Nam đang có thị trường rất tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí (VCGT). Tuy nhiên, thống kê cho thấy trong thời gian qua các dự án FDI vào du lịch chỉ tập trung chủ yếu vào đầu tư xây dựng khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng… không nhiều dự án xây dựng VCGT, trải dài từ Bắc đến Nam, các khu VCGT tầm cỡ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, thậm chí ngay cả các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này.
Tam Đảo - nơi thu hút các nhà đầu tư.
Thời gian vừa qua, một số dự án VCGT được đầu tư xây dựng với quy mô lớn như: Khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên (TP.HCM), Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), Thuỷ Cung (Nha Trang), Khu VCGT Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội), Đảo Tuần Châu (Quảng Ninh)… Mới đây nhất là dự án Happy Land được khởi công tại Long An với số vốn đầu tư là 2 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài dự án Happy Land đang được mọi người kỳ vọng sẽ là công viên giải trí đẳng cấp quốc tế hiện đại nhất Việt Nam, các dự án còn lại dù có một số thành công nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa phân khúc được thị trường, chưa định rõ được đối tượng khách hàng phục vụ theo lứa tuổi, giới tính, sở thích… Hiện trạng các khu VCGT thường phát triển theo hướng “bách hoá” nên làm giảm tính hấp dẫn và hạn chế hiệu quả kinh doanh. Phần lớn các khu VCGT chưa thể hiện được nét riêng của mình, xét về quy mô vốn đầu tư, không gian giải trí của các khu VCGT này chưa đáp ứng được yêu cầu của một khu VCGT hiện đại mang tầm vóc bản sắc thương hiệu đẳng cấp Việt Nam mỗi khi nhắc đến mọi người phải nhớ đến.
Cần cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng
Không thể phủ nhận hiện tại và về lâu dài, nhu cầu VCGT không thể thiếu đối với người dân. Đầu tư xây dựng các khu VCGT ngoài phục vụ người dân trong nước còn phục vụ du khách quốc tế. Các nhà đầu tư đánh giá, đầu tư phát triển ngành công nghiệp VCGT hiện đại góp phần phát triển kinh tế xã hội và quảng bá thương hiệu cho công nghiệp không khói du lịch - dịch vụ. Phát triển BĐS VCGT cũng là định hướng trong Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang được Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thì đầu tư vào lĩnh vực giải trí đang là xu thế mạnh trên thế giới, đóng góp lớn vào doanh thu của ngành nói riêng và quốc gia nói chung. Ông cũng cho biết, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam sẽ có 6 nội dung chính, trong đó quan trọng nhất là vấn đề thu hút đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực có ngành du lịch phát triển.
Về giải pháp phát triển các dự án VCGT trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Hưng - Đại diện Văn phòng II, Bộ KH&ĐT đang xem xét các chính sách về kinh doanh và đầu tư để tạo thuận lợi tối đa cho các khu VCGT. Bộ sẽ phối hợp cũng các bộ, ngành khác liên quan đơn giản thủ tục hành chính đồng thời xây dựng hệ thống quản lý thông tin về FID. Ông cũng cho biết thêm: Theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của CP về việc điều chỉnh các chính sách khuyến khích xã hội về văn hoá giáo dục, đào tạo sức khoẻ, văn hoá thể thao và môi trường thì thu nhập DN trong các ngành trên (trong đó có lĩnh vực VCGT) sẽ là 10%, DN được miễn thuế 4 năm và giảm thuế thu nhập DN trong 10 năm.
Ông Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch (Bộ VHTT&DL) thì để thúc đẩy đầu tư vào ngành VCGT ở nước ta, cần nâng cao năng lực nghiên cứu quy hoạch và tư vấn đầu tư phát triển hệ thống các khu VCGT, đặc biệt là các khu VCGT chuyên đề. Ngoài ra còn phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch rõ ràng và ưu đãi nhiều hơn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng nhận định: “Ngành công nghiệp VCGT Việt Nam sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”.
Ninh Toàn
Theo baoxaydung.com.vn