Thứ ba 08/10/2024 06:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Huế của ngày xưa

19:28 | 11/07/2019

(Xây dựng) - Rời Huế về lại TP Phương Nam, đi giữa những cao ốc đồ sộ, lòng cứ nao nao nhớ cố đô Kinh thành xưa triều Nguyễn. Ước mong thời gian đừng để phôi phai hoài niệm  ngày xưa, cơn lốc “thị trường” của thời hội nhập thế kỷ 21 này đừng phá hỏng những gì còn sót lại của Huế cổ tích, để ít nhất người đời sau có được một lần sống trong những mơ mộng với Huế, với những giá trị văn hóa truyền thống, báu vật di sản không thể tìm lại được.

Đêm hoa đăng trên Sông Hương với hàng vạn chiếc đèn như dòng sông sao lấp lánh trôi chậm rãi, lặng lẽ từ từ ra hướng biển. Những chiếc thuyền lộng lẫy, rực rỡ như những tiểu cung vàng điện ngọc minh châu, rộn ràng thánh thót giai điệu nhã nhạc, khúc ca ngâm, như từ một thế giới cổ tích lung linh, huyền ảo gửi đến…

Những lễ hội ở Huế hôm nay luôn cho người đến với Huế, dù là người quen người lạ cảm giác như đang ngược thời gian, sống trong một khung cảnh ngày xưa vừa thực vừa ảo kỳ lạ. Có lẽ thế mà các lễ hội ở Huế bao giờ cũng có hấp lực với bất kỳ ai.

Tôi đến Huế mà ngỡ như trở lại hàng trăm năm trước của một cố đô với các cung điện, thành quách cổ kính rêu phong phủ đầy dấu tích thời gian, với những khu nhà vườn nên thơ, thanh thản yên tĩnh bên bờ sông Hương, với phiên chợ quê mang hồn vía ruộng đồng, những làng nghề cổ truyền danh tiếng có những nghệ nhân dân gian tài hoa…

Nghệ thuật ẩm thực là sự tinh tế và cầu kỳ đến thành tuyệt kỹ của các phương pháp chế biến thực phẩm giản đơn thành mỹ vị nhân gian. Đặc biệt, tất cả như được tắm mình trong tiếng nhã nhạc cung đình, những câu hò mái nhì, câu hát Nam Ai, Nam Bình quẩn quanh văng vẳng suốt từng bước chân, theo vào giấc mơ đêm.

Huế là vùng đất cổ, vào thế kỷ 13, miền đất thơ mộng này đã hoà nhập vào Đại Việt, là món quà tặng của Vua Chiêm Chế Bồng Nga khi cưới Công chúa Huyền Trân nhà Trần.

Thiên nhiên ưu ái đã cho Huế vẻ đẹp hài hoà, như một đất nước Việt Nam thu nhỏ có sông, biển, núi, ruộng vườn… tạo nên nhiều thắng cảnh tuyệt mỹ. Sông Hương chảy giữa lòng cố đô tưới tắm ru vỗ những khu vườn xum xuê cây trái, những dòng kênh bao quanh phố cổ, những đồi thông soi bóng xuống các hồ nước trong vắt trải rộng. Bãi biển Cảnh Dương, Thuận An, Lăng Cô… nước xanh, cát mịn trắng. Tựa lưng vào dãy Trường Sơn là núi Bạch Mã mây vờn quanh năm mát dịu…

Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại với trên 300 công trình kiến trúc bao gồm: Thành quách, cung điện, lăng tẩm các vua triều Nguyễn, các kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, chùa chiền, miếu mạo, phủ đệ, hệ thống nhà vườn, nhà rường… Và Huế còn được UNESCO công nhận một di sản văn hoá phi vật thể khác là “Nhã nhạc cung đình”, những báu vật tinh thần của nền văn hoá dân tộc Việt. Từng bước chân đưa tôi về những ngày xưa của Huế.

Theo quan niệm mang tính truyền thống của người dân xứ Huế, khi nói đến nhà là là nói tới vườn, hai cái này gắn với nhau thành một tác phẩm sống động vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị thẩm mỹ. Khách tới Huế không ai không tìm đến các nhà vườn xanh cây lá rủ bóng xuống đôi bờ sông Hương, thơm mát hương hoa trái, như một nơi nghỉ chân thư giãn đầy lý thú của màu xanh, sắc rực rỡ của hoa trái chín.

Thấp thoáng trong tán lá là mái nhà rường cổ kính. Nhẹ nhàng từng bước chân, tôi như chạm vào không gian kiến trúc lạ lẫm của người xưa, có vẻ trầm mặc toát ra từ những bộ vì kèo chạm trổ công phu, những bờ nóc, bờ quyết, chấp đồ, án rồng mây, mái ngói lưu ly, vảy cá, một lớp rêu mờ phủ mỏng như thoáng bột mịn rắc lên các bức tường.

Tôi thích thú với từng khu nhà vườn nổi danh xứ Huế, mỗi vườn là một nét riêng hấp dẫn, như những bài thơ vịnh cảnh đầy sắc màu. Làng Tuần có nhà vườn mít, chè, thơm, vườn huệ trắng, dâm bụt đỏ, đồng tiền vàng. Bãi bồi Nguyệt Biều, vườn Chùa Huyền Không là thế giới của kỳ hoa, dị thảo và cây trái bốn mùa.

Đặc biệt là Làng Kim Long, không chỉ nổi tiếng là miền đất thơm thảo nhiều gái đẹp của xứ Huế, còn nổi tiếng với khu nhà vườn trồng toàn hoa trái ngon, lạ của hai miền Nam, Bắc. Ở đây, mỗi nhà đều có khu nhà vườn riêng biệt trồng măng cụt, chôm chôm Nam Bộ, hồng Lạng Sơn, vải thiều Hải Dương, hoa mai, hoa đào…

Vườn An Hiên nổi tiếng bởi sự đa dạng của các loài hoa từ lý, nhài, tường vi, mẫu đơn, trà mi, hải đường đến cả sim, mua xen kết rực rỡ, thơm thoảng, vừa kiêu sa quý phái, vừa hiền hậu dễ thương… Ngắm nhìn, thưởng thức ở nhà vườn còn như là ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật tỉa tót, lai tạo các loài cây, hoa, trái.

Huế đã cống hiến cho nhân gian bao đời các đặc sản nhà vườn như: Thanh trà Nguyệt Biều, quýt Hương Cần, nhãn Kim Long, cam Mỹ Lợi, vải trang Phụng Tiên…

Tôi đã có mấy đêm liền miên man tưởng tượng trong ánh trăng non, bên chén trà sen hồ Tịnh Tâm, nghe thì thầm xào xạc hoa lá, tiếng thở của gió từ mấy khu vườn có tên như cổ tích thần tiên, vườn Ý Thảo, Lạc Tinh, Tỳ Bà Trang…

Rời cái tĩnh lặng của mấy khu nhà vườn, không khí thấm đẫm chất dân giã thôn làng, quyện theo hương lúa chín đã lôi cuốn bước chân tôi tìm đến phiên chợ quê đông vui, nhộn nhịp, ồn ã, được họp trên sân đình, ngay bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn “thượng gia hạ kiều” được xây từ thời Lê, độc nhất vùng Thuận Hoá, có bóng đa cổ thụ, có bến nước ven sông Như Ý.  Quá khứ mấy trăm năm như sống lại, hiện diện nơi phiên chợ quê này. Những quán nước trà xanh vị gừng được rót ra “đọi” - một kiểu bát sành “thắt đáy mở miệng”, bày trên cái chõng tre nâu bóng, kèm theo là khoai lang, khoai môn sáp (khoai sọ) luộc, bánh mè (vừng) được đựng trong mấy cái rổ mây xinh xinh.

Giữa chợ là dãy lều lá - nhà chòi, mỗi nhà chòi có 1-2 cụ già hồn nhiên, say sưa tham gia trò hát thơ lục bát - Ca bài chòi, một thể loại dân ca miền Trung, một kiểu chơi tao nhã của chợ làng có từ xa xưa.

Trong đình làng, ở một góc có mấy bà lão nông đang xay lúa, giã gạo, sàng xảy trên những vật dụng như là từ mấy thế kỷ trước, vừa làm vừa hò đối đáp các làn điệu dân ca Huế. Hình như ở họ cũng toát ra cái vẻ “người xưa” của mấy trăm năm với cối xay lúa, cối giã gạo, dần, sàng, cùng nụ cười bí ẩn trước cái nhìn lạ lẫm của tôi, người “thế kỷ 21”.

Ở một góc khác, tôi như dán chặt mắt nhìn những nông cụ, lâm ngư cụ hình thù cổ quái, có vẻ rất xưa, ít thấy ở đâu như: Cái gầu ba tát nước, cái thêu đào đất, cái trang xóc rơm, cái vằn khều lúa gặt… oi vịt đựng cá, khèo liêm bắt lươn, chịp giày chịp sưa bắt tôm cá mùa lũ… Tất cả như ẩn trong đó cái hồn của người nông dân với bao câu chuyện nhọc nhằn, cần cù, chịu khó, vượt qua sương gió nắng mưa bão lũ để tồn tại.

Chính giữa gian đình là một nhóm nhạc đồng quê với trống cơm, bạt, nhị, mõ, kèn lỗ… tấu những khúc nhạc đầy âm hưởng làng, xôn xao nôn nao người nghe, như trở lại ký ức làng, ký ức quê, hay đang lạc vào câu chuyện cổ tích…

Một thoáng hương xưa của khung cảnh mua bán qua lại trong chợ đưa trí tưởng tượng mơ màng trăm năm trước ta đã đươc sống như thế, như thế…

Huế nổi tiếng với kiến trúc lăng tẩm, đền đài, nổi tiếng với đồ mỹ nghệ thủ công. Tương truyền là từ 4- 5 thế kỷ trước đã được Vua vời thợ từ các làng nghề truyền thống Kinh Bắc - Đàng Ngoài vào để xây dựng các công trình và làm các đồ ngự dụng trong cung. Rồi mấy trăm năm sau, con cháu họ vẫn nối nghiệp, cho dù thăng trầm can qua bao dâu bể, làm nên những làng nghề ở Huế, như những di sản “sống” về sự tài hoa của đôi bàn tay khéo léo, tạo nên các tác phẩm tinh xảo.

Tôi đã ngẩn ngơ trước những sản phẩm của những người thợ tạo tác, tự hỏi phép lạ nào hay chính sự kỳ diệu của 10 ngón tay đã đạt tới mốc của sự hoàn mỹ. Từ các vật thể vô tri, bàn tay người thợ đã thổi hồn vào cho nó có một cuộc sống vượt thời gian, gỗ chạm khắc Mỹ Xuyên, hàng thêu Kim Long, đúc đồng phường Đúc, Dương Xuân… đan lát mây tre lá Bao La, Quảng Phú, nón lá Phú Cam, đệm bàng Phò Trạch, tranh dân gian làng Sình…

Một trong những đặc trưng của văn hoá Huế, của một Huế xưa là văn hóa ẩm thực. Tôi đã mua ở nhà sách Huế một cuốn dạy nấu ăn, trong đó có khoảng 1.300 món ăn xứ Huế từ dân dã đến cung đình, từ bữa ăn đạm bạc đơn sơ của người nghèo đến món cầu kỳ phức tạp trong tiệc Hoàng cung.

Từ bình dân như cơm hến, mắm tôm chua, các loại bánh bèo, nậm, khoái, các loại chè đậu… đến các món cao lương mỹ vị như: Yến, hạt sen, bào ngư xào, vi cá chưng, nem công, chả phụng…

Ăn ở Huế là một sự thưởng thức, không chỉ ăn bằng vị giác mà là tổng hoà của ngũ quan: Nhìn ngắm bức tranh màu sắc trên món ăn, xanh của rau, đỏ của ớt, trắng trái vả, vàng của khế, hồng của tôm, thịt…; Hương vị chua, cay, mặn, ngọt, chát, béo, bùi…; Là sự kết hợp của âm dương, nóng lạnh; Rồi sự hài hoà của bát, đũa, thìa, đĩa…

Nghệ thuật nấu ăn của người Huế có thể ví như một nghệ sĩ trong bếp với tài biến tấu các món ăn từ thực phẩm giản đơn thành mỹ vị nhân gian, chỉ có thể ăn hết, không thể bỏ qua. Và khi ăn cũng là nghệ thuật thưởng thức, ngắm nhìn, cảm nhận một cách từ từ từng món ăn, từng hương vị, từng cái bát đĩa nhỏ xinh…

Ở Huế có một cái thú là đi ăn ở các quán bình dân bên Gia Hội, hay ở Bến Ngự, Ga Huế… Quán bình dân nhưng không thiếu các món cung đình, chẳng cần là vua vẫn được phục vụ như Thượng Đế. Những món ngon ngày trước Vua ăn nay được “đậu” lại bên hè phố, mang hấp lực kỳ lạ, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, ngày xưa có khi nào các ông Hoàng, bà Chúa có thể tưởng tượng món ăn cung đình bày trên mâm vàng, bát ngọc chỉ dành riêng cho Vua, nay ai cũng có thể ăn một cách thoải mái, và trở thành món ăn bình thường trong thực đơn ẩm thực Huế.

Nhưng có lẽ cái cảm giác đang sống ở một Huế xưa rõ nét nhất chính là giai điệu nhã nhạc cung đình và các làn điệu ca Huế âm vang, réo rắt khắp mọi nơi trên đất cố đô. Nhã nhạc cung đình bắt nguồn từ 8 loại lễ nhạc thời Lê: Giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, cửu nhật nguyệt giao trùng nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, đại yến cửu tấu nhạc, cung trung nhạc.

Nhã nhạc cung đình Huế mang sắc thái rộn ràng, uyển chuyển, nhưng uy nghiêm, trầm hùng, cảm giác hoành tráng, tráng lệ. Nhã nhạc ngày xưa chỉ tấu trong cung Vua phủ Chúa, trong các yến tiệc hoàng cung. Bất chợt tôi mỉm cười thích thú, bây giờ ai  cũng có thể nghe những giai diệu sang trọng, xem các khúc múa hát nhã nhạc quý phái ở bất kỳ đêm nhạc nào ở Huế.

Song để nhớ, để vấn vương với một xứ Huế thơ mộng là những điệu ca Huế. Với một hệ thống bài bản phong phú gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo hai điệu thức chính: Điệu Bắc, điệu Nam và hệ thống “hơi” diễn tả nhiều sắc thái tình cảm. Điệu Bắc trang trọng rộn ràng như: Phú lục, Long ngâm, Long điệp, Cổ bản. Điệu Nam nỉ non, ai oán, buồn như: Nam ai, Nam bình, Hành vân,Tương tư khúc… Cùng với bộ “Ngũ tuyệt”: Tranh, tỳ bà, nhị, nguyệt,tam xen lẫn Bầu, sáo, bộ gõ.

Ca Huế cài lồng các làn điệu dân ca như hò, lý… Giai điệu mượt mà như len lỏi vào hồn người, như khơi lên nhiều cảm xúc lãng đãng mơ hồ. Tôi đã có mấy lần đi thuyền trên Sông Hương, nghe ca Huế, trong ánh trăng và sương đêm mờ ảo, cứ ngỡ đang ở một khung cảnh mấy trăm năm trước trong một câu chuyện liêu trai, như trong bức tứ bình bước ra những thiếu nữ thướt tha xiêm áo, tay cầm đàn khảy những khúc nhạc phiêu bồng, môi hồng đẹp như nụ hoa, hát những lời ca rơi là đà trên mặt nước, để rồi khi trở về, mấy điệu Nam ai, Nam bình vấn vương mãi không nguôi.

Hoài Hương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô”

    (Xây dựng) – Ngày 7/10, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954 – 2024)”. Tác phẩm là sự nhìn nhận lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ 1954 đến nay và những mong muốn phát triển cho một Hà Nội trong tương lai.

  • Tái hiện mô hình di tích ở Hồ Gươm: Nên hay không nên?

    (Xây dựng) - Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, việc dựng lên các mô hình di tích lịch sử của Hà Nội ven hồ Hoàn Kiếm cho buổi lễ diễu binh, diễu hành đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Một số người thắc mắc: “Tại sao lại phải tái hiện những di tích vốn đã hiện hữu ngay tại Hà Nội?”. Thậm chí, có người còn gọi đây là “Hà Nội giả”.

  • Thừa Thiên – Huế: Đầu tư 73 tỷ đồng tu bổ, phục hồi di tích điện Thoại Thánh

    (Xây dựng) - HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, phục hồi thích nghi điện Thoại Thánh thuộc Quần thể di tích lăng vua Gia Long với tổng mức đầu tư hơn 73 tỷ đồng.

  • Thanh Hóa: Điều chỉnh dự án Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội nữ dân quân

    (Xây dựng) – Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng ban hành Quyết định số 3964/QĐ-UBND về việc điều chỉnh dự án Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội nữ dân quân tại xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

  • Sắp diễn ra Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình

    (Xây dựng) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2024), UBND Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm – biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô. Chương trình là dịp tôn vinh truyền thống lịch sử của Hà Nội, đồng thời quảng bá hình ảnh Thủ đô yêu chuộng hòa bình đến toàn thể người dân và bạn bè quốc tế.

  • Triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”

    (Xây dựng) – Sáng 4/10, tại Bảo tàng Hà Nội, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load