Thứ sáu 26/04/2024 06:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

HoREA kiến nghị không cho phép tách thửa đối với từng loại đất

14:14 | 12/03/2020

(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên & Môi trường về việc đề nghị xem xét bãi bỏ quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất, không để bị lợi dụng nhằm thực hiện phân lô bán nền tràn lan, trái pháp luật.

horea kien nghi khong cho phep tach thua doi voi tung loai dat

Theo HoREA, trước năm 2017 có địa phương cho phép tách thửa đất nông nghiệp, mặc dù Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 đều không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất khác không phải là đất ở.

Cụ thể, Luật Đất đai 2013 chỉ quy định tách thửa “đất ở tại nông thôn” và tách thửa “đất ở tại đô thị”, như sau: Tại khoản 2, Điều 143 về tách thửa “đất ở tại nông thôn” quy định: “Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương”; Tại khoản 4, Điều 144 về tách thửa “đất ở tại đô thị” quy định: “UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở”.

Tuy nhiên, tại khoản 31, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 đã bổ sung Điều 43d vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP lại quy định: “UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA thì quy định của Điều 43d, Nghị định 43/2014 đã cho phép tách thửa đối với “từng loại đất”. Điều này có thể hiểu là cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp… có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp “bất lương” lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

Do đó, ông Châu đề nghị Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định tại khoản 31, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về việc “Bổ sung Điều 43d” vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đã cho phép tách thửa đối với từng loại đất, trong đó, có đất nông nghiệp, vì không phù hợp với Luật Đất đai. Việc làm này có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, để giải quyết nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở và tách thửa đất ở, đối với các thửa đất nông nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư hiện hữu, thuộc địa bàn các quận, phường, thị trấn, điểm dân cư nông thôn (Trên hồ sơ địa bạ và “sổ đỏ” vẫn còn ghi nhận là đất nông nghiệp, nhưng trên thực tế, các thửa đất nông nghiệp này đã chuyển thành đất ở từ nhiều năm trước, không còn sản xuất nông nghiệp), nếu người sử dụng đất có nhu cầu, thì Hiệp hội đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của địa phương xem xét, thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở; đồng thời, xem xét, thực hiện thủ tục tách thửa đất ở theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Thực tế năm 2014, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 33 về điều kiện tách thửa với hướng dẫn cụ thể cho quận, huyện. Cụ thể, đối với thửa đất nằm trong khu dân cư hiện hữu thì trường hợp thửa đất không thuộc khu vực Nhà nước phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt: UBND quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất, xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, đồng thời với việc thực hiện tách thửa đất. Thửa đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa phải đảm bảo các điều kiện quy định pháp luật.

Căn cứ quy hoạch để xem xét giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân là căn cứ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch nông thôn mới đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết; trường hợp chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load