Thứ ba 17/09/2024 23:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

HoREA cảnh báo 10 dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản và nhóm giải pháp giúp ổn định thị trường TP Hồ Chí Minh

12:12 | 07/01/2019

(Xây dựng) - Năm 2018, cả nước đã đạt được thành tựu rất toàn diện. Tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. GDP đạt 7,08% là mức cao nhất trong 10 năm qua.


Theo HoREA, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang có 10 dấu hiệu đáng lo ngại.

Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh năm 2018 vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị "bong bóng" và vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi, tăng trưởng.

Tuy nhiên, đã có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch, mức nộp tiền sử dụng đất vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, đồng thời, đã có dấu hiệu lệch pha cung - cầu sản phẩm nhà ở.

10 dấu hiệu tiêu cực của thị trường

Trên cơ sở đó nhận thấy có những dấu hiệu đáng quan ngại đối với thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh năm 2019, HoREA đã đưa ra 10 cảnh báo và đi kèm các giải pháp.

Cụ thể, cảnh báo đầu tiên là nguồn thu ngân sách từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Năm 2017, thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75%, trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 17.905 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nguồn thu về đất.

Năm 2018, tổng thu ngân sách nội địa TP Hồ Chí Minh 268.780 tỷ đồng đạt 100,03%. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 61,3% tổng nguồn thu về đất.

Như vậy, so với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%. Nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất đã có dấu hiệu chững lại và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.

Thứ hai là: Quy mô thị trường BĐS bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Năm 2017, có 92 dự án nhà ở, với 42.991 căn; năm 2018, có 77 dự án, với 28.316 căn. Quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017.

Theo HoREA, số liệu trên đây cho thấy thị trường BĐS thành phố chưa phát triển bền vững.

Thứ ba là: Thể chế hành chính và hệ thống quy phạm pháp luật chưa thật thống nhất, chưa đồng bộ; thủ tục hành chính có liên quan đến dự án BĐS bị trì trệ. Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở. 

Thứ tư là: Thị trường BĐS thành phố tiếp tục tình trạng lệch pha cung - cầu. Năm 2018, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm 30%; phân khúc trung cấp chiếm 45,3%; phân khúc bình dân chỉ chiếm 24,7%.

Thứ năm là: Tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc BĐS cao cấp trên địa bàn thành phố tăng mạnh so với năm 2017. Theo CBRE, năm 2018, phân khúc BĐS cao cấp, hạng sang thì tỷ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%; đầu tư ngắn hạn chiếm 13%; khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%. So với năm 2017, mua đầu tư chiếm 50%; đầu tư ngắn hạn chiếm 15%, khách hàng mua để ở chiếm 35%, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017.

Theo HoREA, việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường BĐS.

Thứ sáu là: Theo số liệu thống kê của 65 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán của cả nước, tổng giá trị hàng tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng. Trong đó, có cả hàng tồn kho của một số doanh nghiệp của thành phố. 

Thứ bảy là: Điểm nghẽn do chưa có Nghị định của Chính phủ về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Thứ tám là: Tranh chấp tại chung cư gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo HoREA, việc hoàn thiện Quy chế quản lý chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng là hết sức cần thiết để góp phần giải quyết tranh chấp tại chung cư và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Cuối cùng là: Sốt ảo giá đất nền và vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chung cư cao tầng.


Theo HoREA, cần có giải pháp điều tiết thị trường BĐS theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.

4 giải pháp ổn định

Trước tình hình đó, HoREA đưa ra bốn giải pháp nhằm ổn định thị trường.

Một là: Giải pháp xử lý điểm nghẽn về chấp thuận chủ trương đầu tư để khắc phục tình trạng sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm nguồn cung nhà ở và để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước; khắc phục lệch pha cung - cầu trên thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh.

Hai là: Đề nghị sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Theo HoREA, hiện các doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành Nghị định này để tháo gỡ điểm nghẽn đối với các dự án BT nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng của đất nước.

Do đó, Hiệp hội đề nghị sớm xây dựng Luật về hợp tác công - tư (PPP) để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ba là: Giải pháp điều tiết thị trường BĐS theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững. Thời gian qua, Nhà nước đã sử dụng hiệu quả công cụ tín dụng để điều tiết thị trường BĐS. Vì thế, Hiệp hội đề nghị Nhà nước tiếp tục sử dụng công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, nhà ở, đặc biệt là công cụ về thuế để điều tiết thị trường BĐS, phòng chống đầu cơ, sốt giá ảo và kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh thứ cấp.

Giải pháp cuối cùng là giải quyết các tranh chấp tại chung cư và đảm bảo an toàn PCCC. HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 và Thông tư 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ Xây dựng về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhằm hoàn thiện các cơ chế sau:

Kiên quyết thực hiện cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư theo quy định của pháp luật.

Quy định thêm UBND cấp phường tham gia Hội nghị nhà chung cư thường niên và có trách nhiệm hòa giải hoặc giải quyết ban đầu các tranh chấp xảy ra tại chung cư.

Ngoài việc đảm bảo chất lượng các trang thiết bị PCCC, cần coi trọng huấn luyện, diễn tập các thao tác, kỹ năng thoát hiểm, cứu hộ, sử dụng các trang thiết bị PCCC cho cư dân chung cư và sự tham gia của UBND cấp Phường.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
  • Gia Lai đề xuất xây dựng 184 căn nhà ở xã hội

    (Xây dựng) - Hưởng ứng Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã đặt mục tiêu xây dựng tổng cộng 3.700 căn nhà ở xã hội trong hai giai đoạn từ năm 2022-2030. Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh dự kiến đầu tư xây dựng 1.500 căn, và giai đoạn 2026-2030 là 2.200 căn. Đáng chú ý, riêng trong năm 2024, dự án xây dựng 184 căn hộ nhà ở xã hội được đề xuất thực hiện.

  • Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị họp khẩn để gỡ vướng hồ sơ đất đai

    (Xây dựng) - Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị khẩn đến UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc tổ chức cuộc họp để giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8/2024. Đây là văn bản kiến nghị thứ 3 của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này trong vòng một tháng qua.

  • Hòa Bình triển khai lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cấp huyện

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Hòa Bình vừa có Công văn số 1598/UBND-KTN về việc lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cấp huyện.

  • Chủ đầu tư bàn giao căn hộ hạng sang cho cư dân dự án Heritage West Lake

    (Xây dựng) – Chủ đầu tư CapitaLand Development (CLD) chính thức bàn giao căn hộ Heritage West Lake, dự án nhà ở hạng sang đầu tiên của Tập đoàn tại Thủ đô Hà Nội. Các căn hộ được bàn giao hoàn thiện đến khách hàng từ tháng 9/2024. Đây là dự án nhà ở thứ hai CLD hoàn thành và bàn giao thành công trong năm nay, minh chứng cho cam kết của Tập đoàn trong việc mang đến cho cư dân những căn hộ chất lượng, đúng tiến độ.

  • HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê

    (Xây dựng) - Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất không thay đổi hạn mức công nhận đất ở

    (Xây dựng) - Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh về quyết định quy định hạn mức công nhận đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 trên địa bàn Thành phố như quy định tại Quyết định 18/2016.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load