(Xây dựng) - Trong suốt chặng đường 60 năm phát triển, ngành Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần vào những thắng lợi to lớn của cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó phải kể đến đóng góp của công cuộc hợp tác quốc tế trong ngành Xây dựng.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Cuba đến thăm gian hàng của VIGLACERA tại Cuba.
Theo TS Phạm Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, trong suốt thời gian 60 năm trưởng thành và phát triển, đồng hành cùng cả nước, ngành Xây dựng đã nỗ lực hội nhập vào xu thế chung của thế giới. Công tác hợp tác quốc tế đã luôn đi đầu đánh giá những thách thức, nắm bắt những cơ hội, tìm kiếm các đối tác để cùng hợp tác và phát triển. Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực và nỗ lực trong công tác hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế của ngành. Chủ động mở rộng phạm vi hợp tác song phương và đa phương theo hướng nâng cao hiệu quả hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng của công tác quản lý nhà nước của ngành Xây dựng; đánh giá và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ ký với các đối tác; tăng cường chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý, điều phối các chương trình, dự án hợp tác.
Quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã được củng cố và phát triển thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể. Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã thực hiện các cuộc trao đổi đoàn, trao đổi chuyên gia, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước, triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực ngành Xây dựng. Với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… ngày càng có nhiều DN xây dựng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Một số DN xây dựng Việt Nam không chỉ xuất khẩu VLXD sang các nước trên thế giới mà còn bắt đầu triển khai các dự án đầu tư sản xuất VLXD, phát triển hạ tầng KCN tại nước ngoài.
Khó khăn thách thức đặt ra trong quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế của ngành Xây dựng là hài hòa hóa các mục tiêu, quan điểm và phương thức hợp tác giữa các đối tác. Trong khi Ngành đặt ra các yêu cầu phát triển, tăng trưởng bền vững trong các chuyên ngành cụ thể, thì các đối tác song phương, đa phương lại hướng tới các mục tiêu tổng quát của nền kinh tế, của thị trường, của yêu cầu bảo vệ môi trường. Hạn chế trong ngôn ngữ, trong hiểu biết luật pháp và thông lệ quốc tế, trong tiếp cận thông tin đang là những mặt yếu cần được khắc phục để tăng cường hiệu quả của hợp tác quốc tế.
Về xu hướng hội nhập của ngành Xây dựng Việt Nam trong thời gian tới, theo ông Phạm Khánh Toàn, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong ASEAN, WTO, APEC, CPTPP, tăng cường hợp tác song phương toàn diện với các đối tác truyền thống, xúc tiến và mở rộng thị trường các sản phẩm xây dựng, sản phẩm VLXD. Các DN trong nước cần nhanh chóng tiến hành rà soát, tái cấu trúc theo hướng khai thác tối đa lợi thế so sánh của mình; đồng thời mau chóng cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới nhất trong ngành Xây dựng từ các nước tiên tiến, nâng cao năng suất lao động của công nhân, phương thức quản lý xây dựng.
Khánh Phương
Theo