Nhật Bản là một quốc gia vốn không có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, cùng với đó là kinh tế bị tàn phá kiệt quệ sau chiến tranh thế giới thứ hai, rủi ro thiên tai luôn rình rập. Nhưng không vì vậy mà Nhật Bản chịu khuất phục và họ đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và biến quốc gia mình trở thành cường quốc kinh tế nhất nhì trên thế giới. Người Việt Nam luôn khâm phục ý chí vượt khó và tinh thần sáng tạo, luôn đổi mới của nhân dân Nhật Bản trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Các nhà đầu tư Nhật cũng bắt đầu tìm thấy những cơ hội đầu tư tốt đẹp tại Việt Nam. Kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2013), cũng là đánh dấu những bước tiến mới mẻ trong lịch sử kinh tế, đối ngoại hai nước Việt - Nhật. Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác hợp tác chiến lược của nhau.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tin tưởng quan hệ
Việt Nam - Nhật Bản sẽ lên tầm cao mới, phát triển toàn diện.
Hội nghị Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2013 (www.vietnamjapan40.org) là sự kiện mang tính kết nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, hứa hẹn nhiều đóng góp thiết thực trong công cuộc hợp tác hữu nghị của hai quốc gia. Tại đây, các địa phương, doanh nghiệp và nhiều tổ chức khác nhau của Việt Nam sẽ cùng với các nhà đầu tư của Nhật Bản trực tiếp thảo luận, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư về lĩnh vực phát triển, xúc tiến đầu tư hạ tầng, BĐS, xây dựng và công nghiệp hỗ trợ ngành Xây dựng… Đồng thời, đây cũng là sự kiện giúp các đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ chế, chính sách cơ hội đầu tư vào Việt Nam và tìm hiểu chi tiết cụ thể vào các tỉnh thành nói riêng.
Việc phối hợp, đăng ký tham gia hỗ trợ, tài trợ hoặc đồng tổ chức từ các tỉnh thành tham gia Hội nghị kinh tế hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản lần này sẽ là một cơ hội tốt để địa phương quảng bá hình ảnh và tiếp thị các dự án kêu gọi đầu tư một cách toàn diện và sâu rộng tới các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Ba ngày “kết nối” với nhiều hoạt động phong phú, hẳn sẽ là những khoảnh khắc vô cùng quý giá giúp cho các đối tác Việt - Nhật “khám phá” nhiều điều thú vị và hứa hẹn nhiều cơ hội tiềm năng.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà rất nhiều tổ chức, cá nhân của cả Việt Nam và Nhật Bản từ nhiều tháng nay đã cùng nhau lên kế hoạch, trăn trở, tìm tòi những kịch bản tốt nhất để phối hợp triển khai các hoạt động trong chuỗi sự kiện Năm hữu nghị Việt - Nhật 2013 được thành công tốt đẹp. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 20 - 22/8/2013 tại Grand Plaza - Trần Duy Hưng, Hà Nội. Bộ Xây dựng bảo trợ tổ chức cùng Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam hỗ trợ triển khai sự kiện này.
“Tinh thần Nhật Bản” – đó là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong vài năm gần đây khi nói về người Nhật, đặc biệt về tinh thần của người Nhật ứng xử trước thảm họa thiên tai. Có nước mắt rơi nhưng không ồn ào, vật vã tuy rằng có ai bảo đó là ít đau thương? Chúng ta đã từng chứng kiến qua báo đài, tivi hình ảnh bà con xếp thành hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm một cách trật tự như thường nhật. Sự thiếu thốn được người dân chấp nhận lặng lẽ, không lời than phiền, không ai lớn giọng. Dường như đau thương đã được người Nhật kìm nén bên trong, âm thầm lặng lẽ - Tính cách Nhật và bản lĩnh Nhật cho cả thế giới thán phục. Những ngày này, Việt Nam và Nhật Bản đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với những trang lịch sử của 40 năm thăng trầm trong quan hệ giữa hai quốc gia. Một lần nữa tôi muốn đề cập đến “Tinh thần Nhật Bản” thể hiện qua khía cạnh khác của cuộc sống - cuộc sống nhân văn của tình nguyện viên Nhật Bản tại Việt Nam.
Đâu đó đã có rất nhiều bài viết về chủ đề này nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ và có điều gì đó thôi thúc tôi phải cầm bút viết lên những dòng chữ này. Làm tình nguyện viên có nghĩa là không có thu nhập, nhưng bù lại khi được hỏi các bạn tình nguyện viên xứ sở hoa anh đào đều cho biết họ vui vì biết thêm nhiều điều, đặc biệt vui vì mang lại niềm vui cho người khác. Ở đây, họ quan niệm “cho là nhận” và lấy đó là phương châm sống của mình. Hoạt động của tình nguyện viên trên thực tế không đơn thuần chỉ là giúp đỡ, chuyển giao công nghệ mà còn là xây đắp tình hữu nghị và sự gần gũi, hiểu biết giữa hai dân tộc Việt - Nhật. Chính vì vậy, sau khi trở về nước, các tình nguyện viên cũng chính là những cầu nối văn hóa đưa hình ảnh Việt Nam đến với người Nhật. Các bạn tình nguyện viên đều cố gắng thích nghi và thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh thực tại. Bên cạnh đó, các cơ sở tiếp nhận ở Việt Nam cũng dành cho họ những tình cảm quý báu và luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ và cũng chính vì vậy các tình nguyện cũng phần nào bớt đi nỗi nhớ nhà. Tất cả các tình nguyện viên đều sống và làm việc như thành viên của cộng đồng địa phương, bởi vậy họ mới hiểu về văn hóa, truyền thống của nước sở tại để đưa ra được phương thức hợp tác hiệu quả nhất. Chương trình tình nguyện viên Nhật Bản không theo đuổi kết quả hình thức hay hiệu quả trước mắt mà qua sự gắn bó của tình nguyện viên với xã hội địa phương, mối quan hệ giữa 2 quốc gia ngày càng được phát triển một cách bền vững, giúp cho chính sách phát triển ngày một tốt hơn.
Đến thời điểm này, đã có rất nhiều tấm lòng vàng của các bạn tình nguyện viên Nhật Bản mà trong khuôn khổ cho phép, không thể kể chi tiết được, trên đây chỉ là một vài đúc kết mà thôi. Những người bạn khi đã tham gia vào chương trình tình nguyện thì bản thân họ chẳng mong chờ chúng ta phải viết hoặc lưu truyền về họ. Nhưng chúng ta, trong tâm khảm mỗi người dân địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung không bao giờ quên được những tình cảm sâu sắc này! Cảm ơn những người bạn Nhật, cảm ơn các bạn tình nguyện viên Nhật tại Việt Nam! Khánh Phương. |
Toàn Thắng
Theo baoxaydung.com.vn