Như tin đã đưa, ngày 07/3, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã phối hợp tổ chức hội thảo Việt - Nhật lần thứ 4 về xây dựng. Một trong những nội dung quan trọng mà hội thảo đề cập là tăng cường hợp tác giữa 2 Chính phủ, 2 Bộ và DN 2 nước trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Giao - Tổng giám đốc TCty LICOGI và ông Satoru Ogata - Phó chủ tịch điều hành TCty Taisei ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Nasato Nakashima - Tham tán phụ trách chiến lược toàn cầu của MLIT – nhận định: Đầu tư xây dựng tại Việt Nam đang trong xu hướng tăng lên về trung và dài hạn. Việt Nam lại có nhu cầu lớn về hạ tầng và nguồn vốn ODA Nhật Bản cũng nhiều. Do vậy, ngành Xây dựng có nhiều “đất” để phát triển. “Nếu ngành Công nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho các DN Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả DN Nhật Bản” - ông Nasato Nakashima nhận định: “Do vậy, cần thiết phải nâng cao kỹ năng và kỹ thuật nghề cho nhân lực ngành Xây dựng”.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nêu trên, 2 bộ, DN 2 nước đang tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ hai bên cùng có lợi. Mục tiêu hướng đến là Việt Nam có cơ hội tăng số kỹ sư và công nhân có tay nghề và kinh nghiệm, mở ra các cơ hội kinh doanh cho các DN ở nước ngoài cũng như tại Việt Nam. Về phía Nhật Bản thì tăng được số kỹ sư và công nhân xây dựng có năng lực quản lý kiểu Nhật Bản tại Việt Nam và khuyến khích các DN xây dựng Nhật Bản huy động các kỹ sư và công nhân Việt Nam.
Ông Nasato Nakashima cho biết: Hiện nay, MLIT đang đề xuất một số sáng kiến cho phát triển nhân lực xây dựng Việt Nam. Thứ nhất là Chương trình dự bị (tiền đào tạo) tại Việt Nam, nhằm giúp các ứng viên nâng cấp tiếng Nhật và các kỹ năng xây dựng cơ bản trước khi sang Nhật Bản tham gia vào chương trình Đào tạo tu nghiệp sinh kỹ thuật (TITP). Tiếp đó là chương trình TITP nâng cấp và đào tạo hiệu quả hơn ở Nhật Bản, trong khuôn khổ hợp tác giữa các DN xây dựng Nhật Bản và Việt Nam. “Chương trình này rất cần thiết để phát triển các nhà lãnh đạo (đốc công) tại các công trường xây dựng ở Việt Nam” – ông Nasato Nakashima nhận định. Chương trình thứ ba là xây dựng cơ sở dữ liệu về kỹ sư, công nhân xây dựng đã qua đào tạo TITP ở Nhật Bản tại Việt Nam, nhằm cung cấp dữ liệu và tạo điều kiện để các DN Nhật Bản dễ dàng tuyển dụng kỹ sư, công nhân xây dựng khi thực hiện các dự án ở Việt Nam và các nước khác. Chương trình thứ tư là Chính phủ và khối DN của Nhật Bản hỗ trợ các sáng kiến thông qua Hội đồng xúc tiến phát triển nhân lực của Nhật Bản cho ngành Xây dựng Việt Nam.
Hồi đồng này chính thức thành lập ngày 26/02/2013. Về phía Nhật Bản, thành viên Hội đồng gồm 11 nhà thầu đa ngành, 5 nhà thầu xây dựng, trong đó TCty Taisei làm chủ tịch. Về phía Việt Nam, thành viên Hội đồng gồm tổ hợp nhà thầu là các TCty LICOGI, VINACONEX, LILAMA, COMA, Sông Hồng, NIBELC và ISACO, trong đó TCty LICOGI làm chủ tịch Hội đồng (đứng đầu tổ hợp).
Tại hội thảo, lãnh đạo TCty Taisei và TCty LICOGI đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 nhóm DN 2 nước về việc đào tạo nguồn nhân lực TITP. Cụ thể, tổ hợp các nhà thầu của Việt Nam sẽ tuyển chọn kỹ sư, công nhân tham gia chương trình dự bị TITP tại các cơ sở đào tạo trong nước. Sau khóa học này, tổ hợp các nhà thầu Việt Nam sẽ chọn những học viên có năng lực sang Nhật tham gia chương trình đào tạo TITP. Kết thúc chương trình đào tạo, các lao động sẽ trở lại Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động của ngành Xây dựng. Đồng thời thông tin về các kỹ sư, công nhân đã qua chương trình đào tạo TITP sẽ được Hội đồng Việt Nam đưa vào cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin cho các nhà thầu Nhật Bản. Về phía Hội đồng Nhật Bản, các nhà thầu sẽ hỗ trợ Hội đồng Việt Nam trong chương trình đào tạo dự bị TITP và thực hiện chương trình đào tạo TITP. Các nhà thầu Nhật Bản cũng sẽ sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu làm cơ sở tuyển dụng lao động trong các dự án tại Việt Nam và các nước khác.
Phát biểu tại lễ ký, ông Satoru Ogata – Phó Chủ tịch điều hành TCty Taisei – đề nghị: Phía Việt Nam sẽ xúc tiến chương trình dự bị, có thông báo rộng rãi trong công chúng việc tuyển học viên và cho phép sử dụng hệ thống đào tạo nghề cho chương trình này. Ông Satoru Ogata cũng đề nghị Hội đồng (tổ hợp các DN Việt Nam) lưu thông tin về kỹ sư, công nhân đã được đào tạo thông qua sáng kiến này trong vòng 5 năm và chia sẻ thông tin với Hội đồng phía Nhật Bản cũng như ưu tiên cung cấp lao động đã qua đào tạo của chương trình cho các nhà thầu Nhật Bản.
Về phía Việt Nam, ông Vũ Tiến Giao - Tổng Giám đốc TCty LICOGI, đứng đầu tổ hợp các DN Việt Nam - cũng đề nghị hai bên khởi động mối liên hệ giữa hai ngành Xây dựng Việt Nam - Nhật Bản, thông qua Hội đồng (tổ hợp DN của hai phía). Hai bên cùng chia sẻ những nhu cầu liên quan đến nguồn nhân lực của ngành Xây dựng đề nghị Chính phủ hai nước hỗ trợ những sáng kiến nêu trên.
DN Nhật Bản kiến nghị tháo gỡ vướng mắc Tại hội thảo Việt - Nhật lần thứ 4 về xây dựng, bà Nguyễn Thị Bích Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Tính đến 20/01/2013, Nhật Bản có 1.835 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 30 tỷ USD, đứng đầu danh sách các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Các DN Nhật Bản kiến nghị Việt Nam cần cung cấp các chính sách, định hướng, quy hoạch KCN, KKT; Xây dựng thêm nhiều nhà máy phát điện theo nhiều hình thức; Xây dựng các công trình nhà ở, dịch vụ tương ứng xung quanh các KCN, đặc biệt là khu vực sinh sống cho nhà đầu tư. Về thủ tục hành chính, pháp luật và chính sách, các DN Nhật Bản đề nghị Việt Nam thống nhất quy trình và đầu mối xử lý thủ tục hành chính tại các địa phương. Các chính sách thuế liên tục thay đổi trong 5 năm gần đây cần được tổ chức tập huấn, hướng dẫn và trao đổi với các DN. Về vấn đề lao động, các DN Nhật Bản đề xuất xây dựng chương trình đào tạo thực hành, nâng cao kiến thức và ngoại ngữ để thuận tiện hòa đồng trong DN Nhật Bản. Việt Nam cần tổ chức điều tra nhà cầu thực thế, nâng cao năng lực các trường đào tạo nghề, chú trọng thực hành trong các trường cao đẳng và tạo điều kiện cho các DN tiếp xúc với các sinh viên năm cuối để giới thiệu công việc và kế hoạch tuyển dụng của DN. |
Hòa Bình
Theo baoxaydung.com.vn