(Xây dựng) – Chiều 2/10, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Nhật Bắc). |
Được biết, tại phiên họp Chính phủ đánh giá, kinh tế tháng 9 có rất nhiều các điểm sáng. Cụ thể, công tác chống dịch Covid-19 đã có biến chuyển, 30 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, Việt Nam đã khống chế thành công 2 đợt dịch. Nông nghiệp nhiều khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay, công nghiệp tăng 2,69%, xuất siêu tới 17 tỷ USD. Hơn hết, 3 dự án lớn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông được khởi công, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao nhất từ 2016 đến nay. Tiếp tục phấn đấu khởi công 5 dự án PPP thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam trong tháng 10 tới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, 2 thành công.
Có thể nói, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 rất quan trọng, nhìn lại 3/4 chặng đường của năm 2020 và trên cơ sở đó đánh giá sơ bộ kết quả đạt được của năm 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho năm 2021. Vì vậy, Chính phủ dành thời lượng thích đáng để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2020, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01, 02. Cũng như tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 3 tháng cuối năm để phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020.
Tình hình kinh tế xã hội ngày càng tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm, duy trì được tăng trưởng, đặc biệt là trong quý III khi cả nước căng mình chống dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng GDP khởi sắc hơn với mức tăng 2,62%; 9 tháng tăng 2,12%, tạo tiền đề để có thể đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm, đây là cố gắng cực kỳ lớn của chúng ta trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy. Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Các ngành quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng có xu hướng phục hồi mạnh mẽ. Chứng khoán khởi sắc trở lại.
Thứ nhất, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá hối đoái, lãi suất cho vay ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành để kích thích kinh tế.
Thứ hai, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5% (9 tháng tăng 13,4% so với cùng kỳ). Thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD.
Thứ ba, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương là một điểm sáng trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2020 tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%. Có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019, chỉ có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD); 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu giảm 0,8%, chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Điểm ấn tượng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, nhanh hơn FDI; nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu 41 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 2,69%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020.
Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố đã mở cửa trở lại. Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch đang được triển khai quyết liệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%.
Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực; hình ảnh, uy tín của Việt Nam được nâng cao. Tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan.
Những nỗ lực và kết quả đó đã tạo thêm niềm tin của nhân dân, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, là nhân tố tích cực bảo đảm sự thành công trong đại hội của nhiều tỉnh, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.
Về tình hình thời gian tới, đánh giá về Việt Nam, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn (ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,1%, S&P dự báo Việt Nam tăng trưởng 11,2% trong năm 2021).
Tuy nhiên, còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm. Về phía cầu, tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm trước, thể hiện người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý vấn đề về cách ly ở khách sạn khi có nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn mà báo chí phản ánh vừa qua, gây bức xúc cho người dân.
Không chỉ vậy, Thủ tướng yêu cầu, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5 đến 3% trong năm. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng.
Ánh Dương
Theo