Ông Phan Hộ, Trưởng Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết nhóm chuyên gia Ấn Độ và cộng sự người Việt Nam đang thực hiện đợt cao điểm khai quật, đưa ra các giải pháp cụ thể để trùng tu khu vực tháp K, tháp H trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Trùng tu đoạn đường dẫn mới được phát hiện dưới sự giám sát của chuyên gia Ấn Độ. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Dự án trùng tu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để thực hiện trùng tu nhóm tháp K, H và tháp A.
Việc trùng tu sẽ diễn ra trong nhiều đợt và kéo dài trong 5 năm.
Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 5/2017, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam sẽ thực hiện việc khai quật, trùng tu khu tháp K, tháp H.
Trong đợt này, việc khai quật và trùng tu tháp K, tháp H được thực hiện theo nguyên tắc khai quật đến đâu sẽ trùng tu đến đó nhằm duy trì, phục dựng, trùng tu các giá trị cốt lõi của di sản.
Ông Phan Hộ, Trưởng Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết thêm trong quá trình khai quật khu tháp H và K để thực hiện các bước trùng tu, các chuyên gia Ấn Độ và cộng sự phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như hai tượng đá mình người, đầu sư tử, các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ.
Bước đầu, các hiện vật này được các chuyên gia xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức vào thế kỷ 11 đến thế kỷ 12.
Các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam nhận xét, việc phát hiện những hiện vật quý trong khi khai quật sẽ đóng góp giá trị lớn về mặt khoa học, kiến trúc và nghệ thuật để áp dụng vào thực tiễn quá trình trùng tu các tháp cổ trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn./.
Theo Đoàn Hữu Trung/Vietnamplus.vn
Theo