Thứ hai 09/09/2024 21:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hơn 157.000 tỷ đồng sắp chảy ra thị trường?

14:40 | 16/03/2021

Thông qua hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, cơ quan quản lý tiền tệ có thể bơm 157.000 tỷ đồng ra thị trường trong tháng 7 và 8 tới.

Ghi nhận trong bản tin phân tích thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 8-12/3 của SSI Research, các chuyên gia tại đây cho biết tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát sinh giao dịch qua thị trường mở. Cùng với đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đi ngang ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,48%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Đáng chú ý, dữ liệu của SSI Research ghi nhận sau 2 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng ở tỷ giá 23.125 đồng/USD về NHNN.

Số ngoại tệ này tương đương với việc cơ quan quản lý tiền tệ sẽ phải bơm ra khoảng 157.000 tỷ đồng tại ngày đáo hạn vào tháng 7 và 8 năm nay.

Tuy nhiên, quy mô tiền bơm ra thị trường qua kênh ngoại tệ kỳ hạn nói trên có thể thay đổi bởi cơ chế giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn cho phép bên bán được hủy ngang.

Các chuyên gia đánh giá, trường hợp các hợp động này không bị hủy ngang và không có các động thái trung hòa của NHNN như phát hành tín phiếu để hút tiền về, việc có tới 157.000 tỷ tiền đồng được bơm ra thị trường sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Điều này sẽ kéo theo lãi suất tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể giảm khi các ngân hàng tiếp tục trạng thái “thừa tiền”.

Dữ liệu của NHNN cũng cho biết lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau Tết Nguyên đán 2021 đang có xu hướng giảm và dần hình thành mặt bằng mới.

hon 157000 ty dong sap chay ra thi truong

Đến ngày 12/3, lãi suất VND bình quân kỳ hạn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức 0,28%/năm, giảm mạnh so với đầu tháng 2 nhưng vẫn cao gấp 2-3 lần hồi tháng 1/2021 và cuối năm 2020.

Các kỳ hạn 1 và 2 tuần cũng giữ xu hướng giảm, hiện lần lượt ở mức 0,41%/năm và 0,51%/năm.

Kỳ hạn 3, 6 và 9 tháng vẫn tiếp xu hướng tăng hiện ở mức 1,68%/năm; 2,8%/năm và 3,64%/năm. Tuy vậy, doanh số giao dịch cả 3 kỳ hạn này chỉ vào khoảng 1.100 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất liên ngân hàng giảm cho thấy cân đối thanh khoản và nguồn tiền của các ngân hàng thương mại đã bớt áp lực hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2021.

Cũng trong tuần vừa qua, một số ngân hàng thương mại tư nhân như Techcombank, VPBank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi 0,2-0,5 điểm % với khách hàng cá nhân nhưng không thay đổi với khách hàng tổ chức. Trước đó, trong tháng 2, một số ngân hàng như Vietcombank, ACB, SHB… lại điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi đi 0,1-0,4 điểm %.

Theo SSI Research, việc tăng giảm lãi suất tiền gửi trong những tuần gần đây chỉ mang tính chất cục bộ và lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn sẽ giữ ở mức thấp trong quý I và đầu quý II. Tuy nhiên, lãi suất sẽ tăng dần từ cuối quý II khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

Theo tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh), lãi suất trên thị trường tiền tệ Việt Nam có thể chưa tăng ngay nhưng cũng đang có những dấu hiệu cho thấy lãi suất đã chạm đáy.

Một trong những dấu hiệu chỉ ra là lạm phát tháng 2 của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất 8 năm trở lại đây.

“Khi lạm phát không còn giảm, thị trường bắt đầu hiểu rằng thời kỳ tiền rẻ đã đi đến cuối con đường. Lãi suất sẽ không tăng ngay lại, nhưng nó đã chạm đáy”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho biết để đánh giá thị trường tiền tệ trong nước vẫn cần theo dõi xem liệu lạm phát có tiếp tục tăng trong các tháng sau hay không. Nếu tháng 3 và 4, lạm phát tăng chậm thì mục tiêu lạm phát 4% vẫn được kiểm soát.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, dù lạm phát tiếp tục tăng nhanh hay giảm, NHNN vẫn là chủ thể đưa quyết định xu hướng lãi suất trên thị trường thông qua các công cụ điều hành trong tay.

Theo Quang Thắng/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load