(Xây dựng) - Ngày 08/6 tại Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn AkzoNobel tổ chức Hội thảo Quốc tế về Đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ông Larry Ng Lye Hock – Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế đô thị (Bộ Phát triển Quốc gia Singapore), ông Trần Quốc Thái – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cùng các kiến trúc sư, nhà thiết kế, chủ đầu tư, các chuyên gia về lĩnh vực phát triển đô thị trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo, Ông Larry Ng Lye Hock cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Tái thiết Quốc gia, Singapore đã huy động nguồn lực và các tổ chức khác nhau để lập kế hoạch sử dụng đất, quản lý đất đai và nghiên cứu về đất xây dựng, bất động sản. Các công việc đã triển khai là xây dựng bộ khung, xây dựng ý tưởng quy hoạch chung và quy hoạch cụ thể. Triển khai kế hoạch phát triển trong 40 năm từ 1971 đảm bảo đất đai được phát triển bền vững thỏa mãn nhu cầu thực tế.
Ủy ban Tái thiết Quốc gia đảm bảo các khu đất được phát triển hài hòa với quy hoạch tổng thể. Việc xây dựng quy hoạch bao giờ cũng phải có phối hợp với các đối tác và cộng đồng dân cư.
Nguyên tắc xây dựng quy hoạch đô thị làm sao có tầm nhìn và sử dụng phát triển quỹ đất hợp lý. Cách phát triển hiện thực hóa các kế hoạch hiệu quả trong tương lai, khi phát triển không hiệu quả thì các công trình sau sẽ bịt các công trình trước.
Ông Trần QuốcThái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị cũng nhấn mạnh, hiện nay Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là Đề án quan trọng của quốc gia và cần sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cả các doanh nghiệp (DN) nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được Chính phủ giao.
Dự báo đến năm 2050 sẽ có 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Tại Việt Nam, hiện có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có dân số đô thị chiếm khoảng 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Điều này sẽ tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống, đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời và phát triển các đô thị thông minh, giúp cộng đồng cư dân phát triển bền vững.
Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều TP trên thế giới. Tại Việt Nam, đã có gần 20 tỉnh, TP trên toàn quốc đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Việc lên kế hoạch, nghiên cứu lộ trình các giải pháp phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển các đô thị thông minh và bền vững không chỉ là vấn đề quốc gia mà còn cần có sự đóng góp của cả các DN và người dân.
Hà Đào
Theo