Thứ sáu 29/03/2024 19:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hội thảo thường niên lần thứ 11 về đường bộ cao tốc Việt Nam - Nhật Bản

17:05 | 19/07/2019

(Xây dựng) - Ngày 19/7, hội thảo thường niên Việt Nam - Nhật Bản về đường bộ cao tốc Việt Nam lần thứ 11 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam phối hợp cùng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã được tổ chức. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Thứ trưởng Kunihiro Yamada đồng chủ trì hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong hơn 25 năm qua, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu dành nguồn vốn ODA đầu tiên cho Việt Nam (từ năm 1992), ngành GTVT luôn nhận được sự ưu tiên hỗ trợ đầu tư của Chính phủ Nhật Bản.

Các dự án hạ tầng GTVT do Nhật Bản tài trợ đều là các dự án lớn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, giúp thay đổi diện mạo giao thông và làm đẹp thêm hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

“Phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng của ngành GTVT Việt Nam và luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, ngành GTVT đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 816km đường cao tốc ở cả ba miền Bắc – Trung - Nam của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tin tưởng rằng những thông tin và ý kiến tham luận tích cực của các đại biểu, những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ tại hội thảo sẽ rất hữu ích đối với việc phát triển đường bộ cao tốc của Việt Nam.

Hội thảo cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp của hai bên cùng trao đổi các công nghệ, dịch vụ và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong thời gian tới nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ, hiện đại, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế chung của đất nước và tăng cường kết nối khu vực.

Nhận định về hệ thống hạ tầng cao tốc của Việt Nam, ông Kunihiro Yamada - Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết: “Đoàn công tác của Nhật Bản đã có thời gian khảo sát tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long và cho thấy thời gian đi từ Hà Nội về vùng di sản Hạ Long rất gần và thuận lợi. Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế vượt bậc, trong đó là sự phát tirển giao thông, nhất là các tuyến đường cao tốc lớn. Vì vậy, tại buổi hội thảo này, chúng tôi chủ yếu nói về lĩnh vực đường cao tốc, công nghệ mặt đường. Qua đây, cũng sẵn sàng trao đổi nhiều ý kiến về công nghệ, bí kíp của cả 2 bên”.

Nội dung hội thảo tập trung vào 02 vấn đề kỹ thuật lớn của quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc là mặt đường và công trình cầu lớn. Ngoài ra, còn có các bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch và phát triển đường cao tốc ở Nhật Bản; chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư đường cao tốc của Quảng Ninh; Bộ GTVT cũng sẽ cập nhật thêm tình hình triển khai các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hội thảo đã nghe báo cáo kết quả nhóm công tác chung giữa Việt Nam – Nhật Bản về công nghệ mặt đường và nghe các tham luận: Công tác bảo trì và khai thác cầu lớn tại Việt Nam - Khó khăn và thách thức; Xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam của Việt Nam và một số vấn đề đặt ra; Quy hoạch, xây dựng, bảo trì đường cao tốc; Đầu tư PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông - Cơ hội và thách thức; Giải pháp kết hợp tiên lượng về vận hành - bảo trì trong công tác thiết kế, thi công đường cao tốc.

Hệ thống đường bộ cao tốc ở Nhật Bản.

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng chiều dài mạng đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ đạt khoảng 6000km với 21 tuyến, trong đó kể đến một số tuyến cao tốc tiêu biểu như: Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam, hệ thống cao tốc vành đai các đô thị lớn...

Để đạt được mục tiêu nêu trên, vấn đề huy động vốn đầu tư luôn là thách thức lớn nhất đối với ngành GTVT Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư eo hẹp, nợ công cao trong khi cơ hội tiếp cận với các khoản vay ưu đãi từ các nhà tài trợ ngày càng giảm.

Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường vốn trong nước; Xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP); Thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư lớn nhằm đàm bảo tính hiệu quả và khả thi trong kêu gọi đầu tư. 

Mai Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load