Thứ năm 25/04/2024 19:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá

10:03 | 17/12/2022

(Xây dựng) - Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sáng 17/12, tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), Báo Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá. Đây là cơ hội để nhà quản lý Nhà nước tại địa phương, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cùng nhìn lại bức tranh kinh tế tiềm năng của tỉnh Yên Bái với những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Ông Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh Yên Bái quan tâm và tập trung chỉ đạo là “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Yên Bái (trung tâm tỉnh lỵ) trở thành một thành phố đáng sống theo quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” và là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh. Thị xã Nghĩa Lộ là đô thị xã văn hóa và động lực phát triển kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh.

Về phát triển du lịch, Yên Bái là một tỉnh miền núi, với phong cảnh thiên nhiên đa dạng và nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn (như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, du lịch sinh thái Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò, di tích cách mạng chiến khu Vần, Căng Đồn, Nghĩa Lộ…) và với trên 30 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc mang đậm một bản sắc, văn hoá riêng là thế mạnh trong việc thu hút khách du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt như: du lịch nghỉ dưỡng cấp cao, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái... Những lợi thế này đang được tỉnh Yên Bái cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà... và định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản tỉnh Yên Bái đã hình thành và đang đà phát triển; hạ tầng du lịch là nhu cầu quan trọng và đi trước một bước trong phát triển du lịch đã được rất nhiều các Nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vì vậy, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung các nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch làm cơ sở để phát triển thị trường bất động sản, xem đây là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phát triển quan trọng hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Phối hợp với cơ quan Báo Xây dựng tổ chức hội thảo “Phát triển Bất động sản và hạ tầng du lịch Yên Bái - Cơ hội và bứt phá” ngày hôm nay, tỉnh Yên Bái nhận thấy đây là chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng là cơ hội để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, doanh nghiệp cùng nhìn lại bức tranh kinh tế tiềm năng của tỉnh Yên Bái với những cơ hội đầu tư hấp dẫn; đặc biệt là các vấn đề về thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong phát triển thị trường bất động sản và hạ tầng du lịch.

Ông Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng Hội thảo này sẽ là diễn đàn khoa học để lãnh đạo các cơ quan, bộ, ban, ngành, hiệp hội, các nhà khoa học, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí, truyền thông; doanh nghiệp kinh doanh bất động sản... gặp gỡ, trao đổi, phân tích đánh giá về thực trạng, cơ hội, tiềm năng đầu tư và thách thức đối với thị trường bất động sản và hạ tầng du lịch tỉnh Yên Bái. Qua đó cung cấp những thông tin và nhận định có giá trị giúp lãnh đạo tỉnh, nhà đầu tư, các doanh nghiệp có định hướng tốt nhất, đồng thời, mở ra những cơ hội mới cho tỉnh và nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần cho sự phát triển của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Yên Bái là một tỉnh nằm ở khu vực trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Đông Bắc và Thủ đô Hà Nội. Đây chính là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, là địa phương có tiềm năng thế mạnh đặc biệt về địa hình, khí hậu, thổ những, cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng giao thông, quỹ đất, tài nguyên du lịch, khoáng sản và nguồn nhân lực...

Yên Bái cũng là địa phương hiện đang chứng kiến những tín hiệu kinh tế lạc quan với nhiều cú hích về hạ tầng giao thông và thương hiệu điểm đến du lịch hấp dẫn. Đáng kể nhất là thống kê số liệu dòng vốn đầu tư ước tính lên đến hơn 4 tỷ USD cùng sự xuất hiện của các doanh nghiệp giàu tiềm lực đang mở ra một tương lai đáng chờ đợi. Đặc biệt, con số về tăng trưởng lượng khách du lịch năm 2022 của tỉnh ấn tượng đạt gần 1,6 triệu khách, gấp 2 lần so với năm 2021.

Với việc chú trọng đến đầu tư hạ tầng giao thông, cao tốc, hạ tầng du lịch, nhà ở, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, với phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp đều được quan tâm. Điều này góp phần làm diện mạo địa phương một thay đổi, nhiều khu đô thị đã được đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo nên nét văn hoá mới về văn hoá sống, chất lượng sống, không gian sống cho người dân.

Nơi đây còn có thế mạnh trong công tác quy hoạch mới không gian đô thị, quy hoạch vùng, minh bạch thông tin, cơ cấu sản phẩm hợp lý đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân gắn với chỉnh trang đô thị…

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt lợi thế bất động sản, cảnh quan du lịch, địa hình khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt Yên Bái còn rất nhiều tiềm năng phát triển trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư cũng như xây dựng thành công thương du lịch nổi tiếng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, so với các địa phương khác cùng vành đai quanh Hà Nội, nguồn cung bất động sản và cơ sở hạ tầng du lịch Yên Bái còn hạn chế và thiếu sự đa dạng, thiếu các dự án quy mô, được đầu tư bài bản đồng bộ.

Để thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, phát triển bất động sản và hạ tầng du lịch có bước đột phá, Yên Bái cần làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai. Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông; tập trung phát triển một số ngành chủ lực như du lịch, khai thác, phát triển dược liệu; tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân...

Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin nhiễu loạn. Đồng thời, Yên Bái cần kiểm soát tốt tình hình thị trường bất động sản để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Thách thức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, cũng cần nghiên cứu cân nhắc việc không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Mà phải cần bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn vùng sinh quyển đã được quy hoạch và công nhận, ổn định an sinh xã hội. Sàng lọc năng lực chủ đầu tư, kiên quyết loại bỏ các dự án xử lý môi trường kém, có nguy cơ gây tụt hậu ảnh hưởng đển môi trường đầu tư của tỉnh.

Là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Xây dựng, bất động sản, Bộ Xây dựng luôn hỗ trợ, tạo điều kiện đồng hành của địa phương trong công tác phát huy mọi tiềm năng thế mạnh để Yên Bái trở thành cực tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Bộ Xây dựng, Tổng biên tập Báo Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Bộ Xây dựng, Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Yên Bái là đầu mối giao thông quan trọng, với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Tây Bắc. Thời gian qua, các cấp chính quyền Yên Bái đã tích cực kêu gọi, tạo điều kiện, không ngừng thay đổi để thu hút đầu tư, gia tăng năng lực cạnh tranh. Hàng loạt các công trình đã được hoàn thành và đi vào hoạt động.

Hiện nay, Yên Bái đang dần chuyển dịch nhanh chóng để khai thác những lợi thế về vị thế chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng để phát triển du lịch, bất động sản. Tất cả những yếu tố này đang trở thành tiền đề thuận lợi để đưa Yên Bái trở thành một thị trường bất động sản sôi động trong thời gian tới. Nhiều Tập đoàn, Doanh nghiệp lớn đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư vào địa phương như Tập đoàn Vin Group, Eurowindow Holding, BB Group, TNR Holding, IDC Holding, TH Group... và nhiều nhà đầu tư khác đang tìm hiểu xúc tiến đầu tư dự án mới tại địa phương.

Dù vậy, mặt bằng chung, tỉnh Yên Bái vẫn thiếu nhiều cở sở hạ tầng du lịch và các khu đô thị, các dự án bất động sản xứng tầm, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có nguồn lực mạnh và kinh nghiệm, các nhà đầu tư kinh doanh hoạt động chuyên biệt về phân khúc ngách và kinh doanh dịch vụ đặc biệt chất lượng cao, thương hiệu mạnh, tôn vinh giá trị độc bản...

Dự trên tình hình thực tế hiện nay, Báo Xây dựng, Cơ quan nguôn luận của Bộ Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo: “Phát triển Bất động sản và hạ tầng Du lịch – Cơ hội và bứt phá”.

Nội dung chính của Hội thảo sẽ đề cập đến các chủ đề như: Hiện trạng kinh tế, tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư bất động sản và hạ tầng du lịch tại Yên Bái; Yên Bái: Sự trỗi dậy của vùng đất mới - Điểm đến đầu tư bất động sản và hạ tầng du lịch; Bức tranh chung tình hình các doanh nghiệp đang đầu tư và xúc tiến đầu tư vào bất động sản và hạ tầng du lịch Yên Bái; Chính sách, môi trường đầu tư và hành động của chính quyền tỉnh Yên Bái trong phát triển bất động sản và hạ tầng du lịch Yên Bái, kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư vào bất động sản và hạ tầng du lịch Yên Bái...

Mọi nội dung của Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quan trọng sẽ được Báo Xây dựng và các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải phục vụ bạn đọc, thể hiện chức năng cầu nối phản biện và xây dựng về chính sách kịp thời, đa chiều, khoa học. Đây cũng là căn cứ để Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Yên Bái tham chiếu, tiếp thu, đề xuất, giải quyết những vấn đề điều hành chính sách, thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh, nguồn lực, khai thác tiềm năng, nhằm phát triển bất động sản và hạ tầng du lịch, tạo cơ hội và đột phá trong xây dựng thương hiệu bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái trên bản đồ tỉnh thành Việt Nam và khu vực.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Toàn cảnh Hội thảo Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá.

Hội thảo tập trung đi sâu phân tích về hiện trạng kinh tế, tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư bất động sản và hạ tầng du lịch tại Yên Bái; Yên Bái sự trỗi dậy của vùng đất mới - Điểm đến đầu tư Bất động sản và Hạ tầng Du lịch; Bức tranh chung các Doanh nghiệp đang đầu tư và xúc tiến đầu tư vào Bất động sản và Hạ tầng Du lịch Yên Bái; Chính sách, môi trường đầu tư và hành động của chính quyền tỉnh Yên Bái trong phát triển Bất động sản và Hạ tầng Du lịch Yên Bái.

Ông Trần Thanh Chương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái: Yên Bái nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo tiềm năng, bứt phá

Trong năm 2021, 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên kinh tế tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022 đạt 8,62%, nằm trong những tỉnh tăng trưởng cao, đứng thứ 8/14 tỉnh trong vùng và thứ 33 cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 20,85%; hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đầu tư.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Ông Trần Thanh Chương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái.

Về đóng góp của bất động sản trong nền kinh tế, theo dự ước các dự án bất động sản đóng góp khoảng 20-25% thu ngân sách của tỉnh Yên Bái (nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án khu đô thị, nhà ở, đất nền...).

Về kết quả thu hút đầu tư, đến nay, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 599 dự án với tổng số vốn đăng ký 91.282 tỷ đồng và 382 triệu USD. Một số nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn APEC, Tập đoàn BB Group, Tập đoàn TH, Euro Window, Hoa Sen, Bảo Lai... đã và đang nghiên cứu cơ hội đầu tư, triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái.

Về đầu tư bất động sản và hạ tầng du lịch, hiện tỉnh Yên Bái đã phê duyệt chủ trương đầu tư (đấu giá, đấu thầu) 26 dự án bất động sản, tổng vốn đầu tư khoảng 13.400 tỷ đồng…Tỉnh Yên Bái cũng đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 13.200 tỷ đồng.

Về bất động sản công nghiệp (khu, cụm công nghiệp): Chưa có các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Năm 2022 mới triển khai thủ tục thành lập và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cho Khu công nghiệp Trấn Yên; Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1… để xem xét, chấp thuận chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu, Cụm công nghiệp.

Như vậy, kết quả thu hút đầu tư cho thấy, bất động sản Yên Bái mới chỉ tập trung vào sử dụng đất ở đô thị; còn các loại bất động sản công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh..

Về môi trường đầu tư, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua. Chỉ số PCI của tỉnh đã duy trì được xu hướng cải thiện tích cực, trung bình mỗi năm tăng 0,65 điểm và 1,5 bậc. Năm 2021, các chỉ số có sự cải thiện mạnh mẽ như: Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Tiếp cận đất đai xếp thứ 5/63; Chỉ số tính minh bạch xếp thứ 9/63. Cùng với đó là tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đất đai; du lịch; khoáng sản với trữ lượng lớn.

Với khá nhiều lợi thế, tiềm năng, tuy nhiên, tỉnh Yên Bái chưa khai thác, phát huy tối đa hiệu quả để biến thành lợi thế, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh do còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để thu hút đầu tư, phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch, thời gian tới, tôi đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ về đầu tư, đất đai, đấu thầu, kinh doanh bất động sản…; Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, gồm quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành, làm cơ sở định hướng cho việc thu hút đầu tư hiệu quả và bền vững...; Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng…

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản: Phát triển thị trường bất động sản cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 đang gặp nhiều khó khăn: Nguồn cung bất động sản khó khăn, số lượng các dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm; Cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường; Giá bất động sản các phân khúc vẫn giữ ở mức cao; Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn, không có dòng tiền để trả nợ dẫn đến phải giãn tiến độ, tạm dừng dự án, cắt giảm nhân sự, không bán được sản phẩm để thu hồi vốn; Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp...

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản.

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực, chủ động phối hợp làm việc với các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp (Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022).

Theo đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan làm việc với 05 địa phương trọng điểm và một số doanh nghiệp bất động sản lớn. Qua các buổi làm việc, các khó khăn, kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp đều được các Bộ, ngành chủ động giải quyết theo thẩm quyền; đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền, Tổ công tác đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ để có những giải pháp, quyết sách kịp thời. Theo đó, ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trong đó phân giao trực tiếp, cụ thể về trách nhiệm cho Lãnh đạo các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố có liên quan.

Để giải quyết bài toán đối với doanh nghiệp bất động sản, các dự án bất động sản trong năm 2023 cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan. Trước mắt, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện một số giải pháp sau: Nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn

Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 5 tháng 5/2023, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật...

Bên cạnh đó, các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.

Đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc trậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản.

Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn.

Ban hành quy định cụ thể, theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về đất đai, nhà ở như: Về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách diện tích đất thuộc thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP; hệ số k bồi thường khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo điều kiện cụ thể của địa phương quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 69/2021/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội môi giới Bất Động sản Việt Nam: Yên Bái sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Kinh nghiệm từ các địa phương cho thấy, để phát triển bất động sản thì vấn đề chủ đạo vẫn là hạ tầng du lịch. Bất kỳ một vùng nào muốn phát triển du lịch thì phải có chất liệu để phát triển du lịch, trong đó gồm cảnh quan đặc biệt, môi trường, khí hậu, nét văn hóa đặc biệt, ẩm thực đặc sắc cũng như con người.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội môi giới Bất Động sản Việt Nam: Yên Bái sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Đối với tỉnh Yên Bái, tôi cho rằng, Yên Bái có nhiều cảnh quan đặc biệt với khoảng 21 điểm, địa danh, trong đó có hồ Thác Bà, Mù Căng Chải, Mường Lò, Đèo Khau Phạ…Ở mỗi huyện của Yên Bái cũng có những điểm rất đặc biệt, có thể lấy ví dụ ngay tại Nghĩa Lộ với trên 10 điểm, địa danh đặc biệt. Cùng với đó mà môi trường khí hậu đặc thù.

Về văn hóa, Yên Bái là vùng có văn hóa hết sức đặc biệt, là cái nôi của người việt cổ xưa với nhiều dân tộc khác nhau sinh sống.

Còn về ẩm thực, ở Yên Bái chúng tôi được trải nghiệm nhiều món ẩm thực đặc đặt như nếp Tú Lệ… ở đây có 30 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những đặc sản, bản sắc riêng. Đây là ưu điểm rất nổi trội, rất đặc biệt của Yên Bái.

Về địa điểm, Yên Bái có vị trí rất thuận lợi. Có thể nói, từ Yên Bái tỏa đi các điểm khác đều rất thuận tiện, đặc biệt thời gian tới, chính quyền tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đầu tư và cải thiện, điều này sẽ càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Về hạ tầng giao thông, dịch vụ, lưu trú, thương mại, tôi đánh giá, dù được sự quan tâm đầu tư nhưng còn ở mức thấp, đòi hỏi thời gian tới cần phải đầu tư mạnh hơn để thu hút khách du lịch, khách du lịch lưu trú.

Đối với Yên Bái, giai đoạn gần đây đã có nhiều chuyển biến mạnh, đứng top đầu của khu vực và đất nước. Tỉnh đã khai thác hiệu quả, với địa phương đang tăng tốc như Yên Bái, tôi đánh giá đây sẽ là địa phương có tiềm năng rất lớn.

Từ những ưu điểm trên, tôi đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Yên Bái, đặc biệt là việc thu hút các nhà đầu tư lớn, theo hướng kéo những “con đại bàng” về làm tổ như VinGroup, Eurowindow Holdings… Đây cũng là động lực thu hút các nhà đầu tư thứ phát. Về giá bất động sản, tôi đánh giá giá bất động sản ở Yên Bái rất hợp lý, phân bổ đều ở các phân khúc. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Sự cạnh tranh các vùng: Chúng ta có nhiều vùng du lịch, có văn hóa nét đặc trưng tương tự như Đông Bắc, Tây Bắc...Yên Bái có nhiều tiềm năng lợi thế trong cạnh tranh. Nếu chúng ta đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, Yên Bái sẽ có nhiều tiềm năng lợi thế hơn nữa.

Phát triển hạ tầng kinh tế du lịch: Tôi cho rằng, trong tương lai sẽ có nhiều hấp dẫn. khu vực muốn phát triển tốt kinh tế du lịch, việc đầu tư vào hạ tầng cùng tiềm năng sẵn có, Yên Bái hoàn toàn có nhiều tiềm năng. Đây cũng là cơ hội và chờ đợi các nhà đầu tư.

GS. Hà Tôn Vinh – Chuyên gia tư vấn cao cấp vùng châu Á: Kinh nghiệm phát triển du lịch tại các địa hình đặc biệt trên thế giới

Du lịch Yên Bái cần có sự đổi mới và sáng tạo. Xưa kia chúng ta chỉ bán hàng thô, rồi sau đó sản phẩm đã dần có sự khác biệt, gần đây chúng ta bàn về giải pháp. Và trong tương lai chúng ta phải mang lại sự thỏa mãn và hạnh phúc.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
GS. Hà Tôn Vinh – Chuyên gia tư vấn cao cấp vùng châu Á.

Vì vậy, tôi mong rằng khi du khách đến Yên Bái người ta sẽ thấy được đây là một nơi đẹp, đáng đến và phải đến. Vấn đề quan trọng trong phát triển du lịch, cá nhân tôi thấy là sự lan tỏa, du khách thích thú và lan tỏa thông điệp đó đến với bạn bè, người thân.

Hạ tầng giao thông Yên Bái ngày càng phát triển, nhiều du khách đã đến với mảnh đất này nhưng Yên Bái nên đầu tư có điểm nhấn, lựa chọn những vùng đất phù hợp để phát triển bất động sản, quy hoạch những khu vực du lịch, tạo cảnh quan.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch cần kết hợp với công nghệ thông tin, thông qua internet. Bởi hiện nay, người dùng internet càng nhiều, cùng với những tiện ích mà nó mang lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương quảng bá du lịch đạt hiệu quả.

Kinh tế Việt Nam cũng ngày càng phát triển, vì vậy các hoạt động văn hóa, xã hội, du lịch cũng đang trên đà tăng trưởng.

Bà Nguyễn Như Ý – Cố vấn chiến lược khối bất động sản Tập đoàn IDC Holding: Trong tương lai, Yên Bái sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, tôi cho rằng trong tương lai, Yên Bái sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Cũng qua quá trình đầu tư tại Yên Bái, tôi đánh giá rất cao về môi trường đầu tư tại đây, đặc biệt là sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền tỉnh Yên Bái và các Sở, ngành địa phương.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Bà Nguyễn Như Ý – Cố vấn chiến lược khối bất động sản Tập đoàn IDC Holding.

Trong chặng đường phát triển, tôi cho rằng, ngoài yếu tố cảnh quan, quy hoạch là yếu tố vô cùng quan trọng. Tại Yên Bái, tôi thấy vấn đề quy hoạch luôn được tỉnh rất quan tâm, lấy kinh nghiệm quốc tế, có thể nhìn thấy từ Khu du lịch Hồ Thác Bà.

Đến Yên Bái, về con người, tôi đánh giá cao sự hài hòa, thân thiện, tư duy phục vụ qua bữa ăn của người dân nơi đây. Tinh hoa văn hóa có nhiều điểm đặc biệt và theo tôi nên giới thiệu phổ biến hơn về tinh hoa Xòe Thái, đây là tiềm năng để phát triển văn hóa du lịch. Tôi đánh giá cao về môi trường, thị trường mới, Yên Bái như “viên ngọc thô”, các nhà đầu tư cần có tầm nhìn trung và dài hạn, đón đầu xu hướng. Trong tương lai, Yên Bái có động lực trở thành điểm đầu tư lớn.

Ông Đào Đức Long – Giám đốc Phát triển Dự án Công ty Cổ phần du lịch xanh Minh Đức: Kinh nghiệm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và bất động sản Yên Bái

Vào những ngày đầu khi mới bắt đầu thực hiện các dự án đầu tư du lịch tại tỉnh Yên Bái, nhiều người đã hỏi vì lý do gì mà chúng tôi lại thưc hiện đầu tư vào du lịch ở một Tỉnh chưa phát triển về du lịch như Yên Bái thay vì Đà Nẵng, Phú Quốc hoặc Lào Cai, Quảng Ninh.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Ông Đào Đức Long – Giám đốc Phát triển Dự án Công ty Cổ phần du lịch xanh Minh Đức.

Về cơ bản thì có 2 lý do chính. Lý do chính thứ nhất, tôi cũng xin phép chia sẻ thật là chúng tôi là những người con sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, chúng tôi có tình yêu đặc biệt với vùng đất này. Còn khía cạnh thứ hai là vì các tiềm năng rất đặc biệt của tỉnh này.

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên hùng vĩ, là những yếu tố cực kỳ quan trọng đã thu hút nhà đầu tư. Đầu tiên đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, và các Sở, ban, ngành, vì điều này tạo động lực và quyết tâm cho các doanh nghiệp dám nghĩ dám làm dám thực hiện.

Lý do thứ 2 là vị trí địa lý của tỉnh. Lý do tiếp theo là Yên Bái có những điểm du lịch đã có tên tuổi nhất định trên bản đồ du lịch Việt Nam như: Hồ Thác Bà, đầm Vân Hội, thung lũng Tú Lệ, đèo Khau Phạ, ruộng bậc thang Mù Căng Chải, văn hoá Mường Lò. Đây là thế mạnh rất rõ ràng, tuy nhiên hiện nay, tính liên kết giữa các điểm du lịch vẫn còn chưa chặt chẽ, nhưng chúng tôi tin trong vài năm nữa, với tầm nhìn và sự lãnh đạo của các lãnh đạo tỉnh, sự liên kết sẽ trở nên mạnh mẽ, cung đường du lịch Yên Bái sẽ hình thành.

Lý do thứ 4 mà tôi muốn chia sẻ là Yên Bái là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản vật địa phương như: Chè, cốm, gạo, mật ong… đây là yếu tố cực ký quan trọng để có thể phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng.

Tại buổi hội đàm ngày hôm nay, tôi xin được chia sẻ về chiến lược mà chúng tôi thấy sẽ phù hợp cho vùng núi và cũng phù hợp cho thời điểm hiện nay. Chúng tôi gọi đây là chiến lược +0,5. Tức là nếu dự định target customer ở phân khúc trung cấp thì hãy thực hiện đầu tư dự án nhắm vào phân khúc trung cấp +0,5. Lý do là chi phí đầu tư cơ bản, và chi phí vận hành ở vùng núi sẽ cao hơn ở các vùng xuôi, vì vậy thay vì bỏ ra số tiền nhiều hơn để hướng đến cùng phân khúc mà vùng xuôi đang nhắm đến, thì hãy bỏ ra nhiều tiền hơn 1 chút để nhắm tới phân khúc cao hơn dự kiến ban đầu.

Thông qua buổi Hội thảo ngày hôm nay, tôi xin phép được có một số đề xuất đến lãnh đạo Tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể là: Sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động tuyến đường kết nối cao tốc với Nghĩa lộ và Mù Căng Chải; Nâng cấp hạ tầng để tăng tính liên kết vùng giữa Thác Bà – Nghĩa Lộ – Tú Lệ - Mù Căng Chải. Cẩn trọng với tăng trưởng nóng, dẫn đến vỡ quy hoạch, tránh trường hợp cung vượt quá cầu.

Chúng ta nên có kế hoạch để tận dụng tối đa giá trị du lịch của rừng. Những nước như Úc và New Zealand có những câu chuyện phát triển du lịch rất hay về vấn đề này. Đất và rừng vẫn là tài sản của nhà nước, nhưng họ tạo những con đường đi bộ, những điểm ngắm cảnh nhỏ và thu hút được rất nhiều du khách. Du khách trả số tiền nhỏ cho 1 vé thăm quan, nhưng bù lại số lượng rất nhiều;

Thực hiện những hoạt động quảng bá du lịch, và giới thiệu cơ hội đầu tư bất động sản tại trong và ngoài nước nhiều hơn. Đặc biệt với các nước phát triển, họ sẽ rất quan tâm đến bất động sản ở đất nước có GDP trung bình gần 7%/năm như Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Phương – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Everimmo: Muốn phát triển bất động sản phải phát triển du lịch

Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm qua, lượng khách du lịch đến với Yên Bái tăng dần theo các năm. Tại Yên Bái tôi nhìn nhần 4 yếu tố để phát du lịch. Thứ nhất là vị trí địa lý, để phát triển du lịch phải có hạ tầng giao thông, tuy nhiên một số tuyến còn chưa hoàn thiện, thời gian tới, Yên Bái quan tâm đến việc này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội.

Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Ông Nguyễn Việt Phương – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Everimmo.

Thứ hai là địa hình, Yên Bái được thiên nhiên ưu ái với 2.200ha ở Mù Căng Chải là ruộng bậc thang. Khi nhắc tới ruộng bậc thang, người yêu du lịch sẽ nghĩ ngay đến Yên Bái.

Thứ ba là tài nguyên, trong đó có tài nguyên rừng, suối nước nóng. Tại Yên Bái các nguồn tài nguyên này đều rất đa dạng. Suối nước nóng đã có doanh nghiệp đầu tư, nhưng tài nguyên rừng cần có thêm quy hoạch để phát triển các vùng du lịch mới.

Thứ 4 là bản sắc văn hóa, chúng ta cần dựa vào bản sắc văn hóa để phát triển du lịch. Theo tôi, có phát triển du lịch mới phát triển bất động sản được. Với 30 dân tộc anh em cùng di sản xòe Thái… Yên Bái có rất nhiều công cụ để thúc đẩy du lịch đi lên. Chúng tôi đang sở hữu chuỗi nghỉ dưỡng với mong muốn giống như chìa khóa mở ra với thiên nhiên. Chúng tôi không dùng chất liệu nội tại mà dùng chất liệu xung quanh.

Từ cơ sở trên, tôi xin kiến nghị 2 vấn đề, thứ nhất, chúng ta không nên tư duy ngược, mà cần phải phát triển du lịch để phát triển bất động sản. Thứ hai, cần có thiết chế văn hóa cụ thể, chúng ta có nhiều thiết chế văn hóa nhưng ko có thiết chế tập trung. Tất cả cần được quy định cụ thể và cần sự quyết liệt của tỉnh.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo đại diện một số doanh nghiệp cùng lãnh đạo một số cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã có phần Tọa đàm; cùng nhau trao đổi, chia sẻ trực tiếp một số vấn đề trong phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái.

Khánh Hòa – Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load