Thứ tư 24/04/2024 01:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023

09:47 | 14/12/2022

(Xây dựng) - Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sáng 14/12, tại Hà Nội, Báo Xây dựng tổ chức Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023”. Một số tham luận được chia sẻ tại Hội thảo như: Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ; Sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; Thúc tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm; Tạo động lực phát triển Kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Toàn cảnh Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế. Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành Xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

“Bộ Xây dựng nỗ lực thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện” – Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chia sẻ.

Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng còn một số vấn đề bất cập, như một số quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn, triển khai chưa đồng bộ giữa các loại và cấp độ quy hoạch dẫn tới việc triển khai chương trình, dự án còn chậm; nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định, thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Với vai trò là cơ quan chỉ đạo tổ chức Hội thảo, Bộ Xây dựng hoan nghênh và ghi nhận sự hoạt động tích cực cũng như sáng kiến của Báo Xây dựng và sự tham gia của đông đảo quý vị ngày hôm nay. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng Hội thảo này sẽ là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan Ban, ngành; Hiệp hội, các nhà khoa học, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí – truyền thông, doanh nghiệp...gặp gỡ, trao đổi, phân tích đánh giá về thực trạng, cơ hội, tiềm năng đầu tư và thách thức đối với ngành Xây dựng và ngành Kinh tế của đất nước. Hội thảo kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị tốt nhất, Bộ Xây dựng là cầu nối sẽ tổng hợp gửi các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành để xem xét tiếp thu, phục vụ xây dựng chính sách và điều hành, góp phần cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sắp tới.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Bộ Xây dựng, Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Chỉ thị nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Bộ Xây dựng, Tổng biên tập Báo Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.

Để khép lại năm 2022 với nhiều thông tin biến động, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội các năm tiếp theo, đặc biệt là năm 2023, Báo Xây dựng - cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo: “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”. Trong đó, tập trung vào nội dung như: Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ; Sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; Thúc tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm...Tạo động lực phát triển Kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Bên cạnh các tham luận, toạ đàm sẽ bàn về chủ đề Động lực nền Kinh tế Việt Nam đến từ đâu? Những thảo luận, kiến nghị, đề xuất, về giải pháp được đưa ra nhằm hiến kế để phát triển nền kinh tế Việt Nam ổn định, thịnh vượng trong năm tới.

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Bức tranh kinh tế Việt Nam thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 – hiệu chỉnh để phục hồi phát triển

Kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022, của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Đặc biệt, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Như vậy, phục hồi kinh tế trên nhiều mặt đã đạt được kết quả tích cực. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%.

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đạt được kết quả khá tích cực nêu trên có nhiều yếu tố tác động. Khái quát chung, có thể nêu ba lý do chính là: Việt Nam kịp thời chuyển trạng thái chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường; kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; và cuối cùng, các chỉ số tăng trưởng trên được đặt trong tương quan với mức nền khá thấp của năm trước.

Bên cạnh đó, cũng dễ dàng nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED…

Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.

Định hướng giải pháp chủ yếu được dự kiến là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.

Không chỉ vậy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

Việc phân tích từng vấn đề cụ thể sẽ thấy sự đan xen giữa thuận lợi và thách thức, khó có thể lượng hóa thành con số cụ thể. Nhưng qua đó, cũng có thể thấy rằng: Khả năng chống chịu tốt của kinh tế Việt Nam năm 2022, đặc biệt là những hiệu chỉnh về chính sách và điều hành những tháng cuối năm 2022 về tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, kiểm soát và nới chỉ số lạm phát năm 2023 lên không quá 4,5%… là rất cần thiết và sẽ tạo đà cho sự hồi phục nhanh hơn và phát triển trong thời gian tới của năm 2023.

Từ trên giác độ đó, có thể tập trung vào một số nội dung để triển khai hướng đến mục tiêu và các chỉ tiêu đã định như duy trì và phát huy ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi, tạo quán tính cho nền kinh tế vận hành ổn định. Nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên sẽ có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế. Đầu tư công có thể là cứu cánh. Tận dụng cơ hội để đổi mới.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn.

Xét về tổng thể, có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục… Do đó, giải quyết nút thắt thể chế cũng là yếu tố quan trọng mà nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.

Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận tháo gỡ... Với những lợi thế này, cơ hội để “vượt điểm nghẽn” trong năm tới là rất lớn. Năm 2023, cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng còn tiếp tục nên tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm có thể vẫn diễn ra, đòi hỏi giải pháp mềm dẻo, linh hoạt, đảm bảo cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm.

Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chương trình kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023-Chính sách và tác động

Theo Nghị quyết số 68/2022/QH của Quốc hội đã đưa ra 10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Cụ thể là: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; Xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Và đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ (giao thông, biến đổi khí hậu), bảo vệ môi trường, quản lý & sử dụng hiệu quả đất, tài nguyên. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đồng thời, chúng ta cũng đã có những chương trình cải cách thể chế, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình cải cách kinh tế. Tuy nhiên, những kết quả liệu có đạt như kỳ vọng?

Kết quả phát triển kinh tế năm 2022, cá nhân tôi thấy rất đáng phấn khởi so với những khó khăn mà chúng ta đã trải qua. Trong đó, chúng ta đã thực hiện thành công một phần cơ cấu nền kinh tế, tuy nhiên thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức ở nội tại và bên ngoài; doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.

Theo tôi, năm 2023 là năm phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra.

Đối với các nhóm giải pháp đã được đặt ra, cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế, thể chế. Cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công.

Giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vướng mắc tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước được khiến cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng.

Đồng thời chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và theo tôi cần quan tâm đặc biệt là sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính.

Sự tham gia này không chỉ của mỗi Nhà nước mà có trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm, đây là cơ hội, là thời cơ để bứt phá.

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023

Sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 là một số những gợi ý với cộng đồng doanh nghiệp. 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế, có thể thấy 6 tháng cuối năm thì màu xám nhiều hơn, nhưng nhìn chung tổng thể những con số vĩ mô đang trong mùa hè, còn doanh nghiệp đang trong mùa đông khó khăn. Trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tuy nhiên, cũng trong 11 tháng đầu năm đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Theo đó cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số cần đáng suy nghĩ. Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế.

Nếu nhìn sâu vào bức tranh doanh nghiệp, thì có thể thấy doanh nghiệp của ta đang gặp rất nhiều khó khăn khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Năm 2020, 39,7% doanh nghiệp có lãi, 41% hòa vốn. Thế nhưng, năm 2022, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp không tăng vì doanh nghiệp đã suy kiệt sau 2 năm chống chọi Covid-19, giờ lại đương đầu với nhiều khó khăn từ suy thoái, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Tình hình hiện nay là một tai nạn khách quan từ bên ngoài đối với doanh nghiệp, khi đối mặt với những tai nạn như vậy, những yếu kếm trong nội bộ của doanh nghiệp được bộc lộ ra, nó tác động trực tiếp đến tình hình của doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Những yếu tố khách quan này tạo nên sự đổi mới, buộc các doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.

Chuẩn bị bước vào 2023 với những khó khăn và thách thức mới. Bức tranh kinh doanh của những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, dự báo như vậy nhưng sẽ có biến đổi khó lường. Chúng ta chỉ có tể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Đây sẽ là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp – sẽ được mở rộng hơn nữa.

Ngày nay, có nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, sẽ có sức chịu đựng lớn hơn, nhất là qua đại dịch vừa rồi sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đối tác, người lao động, bạn hàng… tốt hơn nhiều.

Một vấn đề nữa, đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn. Cần được tiếp cận một cách đúng đắn hơn nữa. Chuyển đổi số chỉ là phương thức chúng ta cần có những chính sách giải pháp để thúc đẩy giải pháp này. Và thị trường nội bộ các doanh nghiệp cần có chỗ đứng vững chãi.

Một trong những yếu tố quan trọng nữa đó là các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, chúng ta không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn. An toàn pháp lý trong kinh doanh là rất quan rọng, cần an toàn trong thể chế, minh bạch, công bằng, không hình sự hóa.

Các doanh nghiệp hãy quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong kinh doanh của mình, khi ký kết hợp đồng cần tư vấn, luật sư tư vấn cho mình tránh phát sinh những rủi ro. Các doanh nghiệp cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào những chiến lược kinh doanh. Đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh hay hợp đồng những điều khoản khi nảy sinh tranh chấp – nguyên tắc tranh chấp. Trung tâm trọng tài là mô hình quốc tế sử dụng nhiều khi xảy ra tranh chấp: Nhanh chóng, hiệu quả, bảo mật, tiết kiệm hơn khi đưa nhau ra toà án giải quyết. Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cũng đã giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng): Phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị để nâng cao chất lượng tăng trưởng đô thị và kết nối liên vùng

Những thập niên vừa qua, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã thúc đẩy đô thị hóa trong quá trình phát triển nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Với chính sách đổi mới, hội nhập cùng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế đất nước, hệ thống đô thị của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô, chất lượng cuộc sống của người dân đô thị từng bước được cải thiện.

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Ông Trần Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng).

Thực tế ở nước ta, khu vực đô thị đã và đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm cũng là nơi tập trung nhiều đô thị lớn; chỉ tính riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đã đóng góp khoảng 50% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, đô thị hóa đôi khi không thực sự đồng nghĩa với tăng trưởng đô thị.

Bài học từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trong bối cảnh đô thị hóa là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đô thị cũng như tăng trưởng vùng, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Thời gian qua, ngành Xây dựng đã tập trung quan tâm đến công tác quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật theo đúng quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Về mặt thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được chú ý, hoàn thiện phù hợp giai đoạn phát triển. Công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm, thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Công tác đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được các cấp từ Trung ương đến chính quyền đô thị quan tâm.

Về hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ, cầu, các cảng hàng không được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Về hạ tầng cấp nước, Chính phủ, chính quyền các địa phương rất quan tâm vấn đề này trong các giai đoạn phát triển. Về hạ tầng thoát nước và xử lý chất thải đô thị, với xu thế phát triển đô thị tăng trưởng xanh và mô hình nền kinh tế tuần hoàn, hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn được các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đầu tư cải tạo và xây dựng mới nhưng việc triển khai còn chậm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn còn những hạn chế. Về tổng thể, năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông, thu gom và xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải. Quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu tính đồng bộ…

Trước những yêu cầu từ thực tiễn quản lý phát triển đô thị nói chung và hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng, tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo đó, về hoàn thiện chính sách, pháp luật, Bộ Xây dựng đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước; Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm đô thị. Thời gian tới cần rà soát các định hướng, chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng, xác định các chỉ tiêu phù hợp với thực trạng và tiềm năng phát triển; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị…Về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, cần xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị có lộ trình phù hợp.

Tập trung ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cần có nguồn lực đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, cấp bách. Ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực của hệ thống hạ tầng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe tại các đô thị. Tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị.

Nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Áp dụng công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: Nới room tín dụng – Cung ứng vốn cho nền kinh tế

Mở đầu là vấn đề chính sách và phản ứng doanh nghiệp. Có 2 nội dung là công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ mang lại hiệu quả cao, gắn bó chặt chẽ với dòng tiền, dòng vốn. Phần Tọa đàm hôm nay sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính là: Tài chính vốn và Bất động sản xây dựng. Thông tin liên quan đến giải pháp như: Đô thị hóa là một xu hướng, tất cả quy hoạch có động lực rất tốt cho bất động sản - đó cũng coi là tiến trình đô thị hóa, là động lực tăng trưởng. Đô thị xanh, đô thị thông minh được coi là cuộc cách mạng. Tọa đàm giải quyết 2 vấn đề chính như sau:

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Vấn đề lớn thứ 1: Mở rộng để giải quyết độ nén, lợi thế nhờ quy mô kinh tế.

Vấn đề lớn thứ 2: Quá trình đô thị hóa Việt Nam nhanh hơn rất nhiều so với kinh tế. Biểu hiện qua quá trình, hoạt động kinh tế. Nhưng kinh tế gắn với đô thị hóa lại chậm, trong đó có năng lực quản lý chưa cao.

Ông Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)

Năm 2022 còn nhiều khó khăn, vướng mắc và đến năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều thách thức. Cần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bất động sản an toàn, an sinh xã hội. Trong đó nhấn mạnh 3 chủ thể: cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp – nhà đầu tư, nhân dân.

Hiện Chính phủ đang giao Tổ công tác địa phương, chính quyền địa phương phải thống kê được những khó khăn vướng mắc tại các dự án. Từ đó, báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để nhanh chóng “vào cuộc” tháo gỡ. Nguồn vốn hiện rất khó khăn, doanh nghiệp gặp khó. Nên tập trung vào dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.

Để đưa dự án nhanh chóng đưa vào triển khai, cần có mặt bằng sạch, hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện. Thủ tục thực hiện đầu tư được rút ngắn. Doanh nghiệp chủ động, thích ứng linh hoạt, giảm chi phí đầu vào để giảm giá bán, để tiếp cận được nhiều đối tượng, bán được sản phẩm nhiều hơn. Điều chỉnh theo Nghị định 35 của Chính phủ về công nghiệp sinh thái, các dịch vụ giáo dục y tế…Ngoài ra nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thiếu trầm trọng, cần được điều chỉnh phù hợp.

Bà Nguyễn Thùy Dung, Chủ tịch Phú Hưng Property

Khó khăn cơ bản trong thị trường bất động sản, đặc biệt là cuối năm 2022 khi Chính phủ điều tiết nguồn vốn. Dẫn đến các vấn đề như: Khách hàng đã đặt cọc vốn, nhưng khi thay đổi điều tiết nguồn vốn thì khách ko đủ điều kiện vay nên hủy hợp đồng. Thứ hai là do khủng hỏang trái phiếu ảnh hưởng đến thị trường nói chung. Các dự án bất động sản không bán được trái phiếu. Thứ ba là truyền thông của thị trường đem lại tác động xấu, các đơn vị mới gặp nhiều khó khăn vì nhân sự chuyển ngành nghỉ đến 60%. Thứ 4 là lực lượng môi giới hiện nay phát triển quá nóng, dẫn đến không được đào tạo bài bản, đặc biệt là về đạo đức nghề nghiêp, dẫn đến khách hàng cho rằng là lừa đảo.

Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Bà Nguyễn Thùy Dung, Chủ tịch Phú Hưng Property.

Qua Hội thảo, bà Nguyễn Thùy Dung mong các đơn vị, cơ quan ban hỗ trợ cho thị trường bất động sản, hỗ trợ khách hàng có thể tiếp cận với nguồn vốn trong thời điểm năm 2023, các dự án sắp tới được hỗ trợ nguồn vốn. Ngoài ra, kính mong Chính phủ kiểm soát thông tin truyền thông, tránh nhiễu loạn thị trường.

Chính quyền địa phương, xem xét điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian, xây dựng chương trình phát triển quản lý hệ thống nhà ở thị trường bất động sản, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân…

Ông Đào Trọng Chương – Nguyên trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng

Tôi thấy rằng, Hội thảo được tổ chức hôm nay giống như liều thuốc, niềm tin mới để doanh nghiệp, người dân tin tưởng vào cơ chế, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để thị trường phát triển.

Hội thảo đã cung cấp tư liệu quý giá của diễn giả cho các bên tham gia. Từ đó giúp mọi người tự trau dồi, tự nhìn nhận để phát triển thêm cho doanh nghiệp mình, cho xã hội.

Theo tôi, về thể chế, nghị quyết, chính sách, Đảng và Nhà nước ta luôn tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện trong thời gian qua. Tất cả chính sách, chế độ của Nhà Nước đều có sự quan tâm rộng mở. Nội dung phát triển cho năm 2023 cũng đã được đề xuất. Những thông tin quan trọng này đều được phổ biến tới các doanh nghiệp, địa phương và người dân.

Thời gian tới, tôi nhận thấy rằng, cần phải sâu sát hơn, cụ thể hơn nữa về phân khúc cho doanh nghiệp. Khi xây dựng văn bản dưới luật cần phải có các quy định đầy đủ cho các đối tượng có liên quan; tiếp tục rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính, vướng mắc khó khăn khi doanh nghiệp tiếp cận với những chính sách đó. Các bên cần có sự chủ động tìm hiểu các chính sách của Nhà nước ta. Đồng thời, nên chỉ ra rủi ro, phương pháp đề phòng rủi ro để các bên nắm rõ.

Ông Trần Văn Bình – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Nhận định về thị trường hiện nay, tôi thấy rằng, còn nhiều nút thắt cần được giải quyết, tùy thuộc vào thời gian sắp tới để tháo gỡ nhanh chóng nhằm ổn định thị trường.

Hiện nay, nguồn cung về dự án bất động sản còn chưa phù hợp với thị trường. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phân khúc cao cấp và trung cấp có rất nhiều, nhưng phân khúc dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn khan hiếm, chưa có sản phẩm tương ứng với thị trường.

Liên quan đến chủ đầu tư, khi hình thành các dự án, việc phân tích nhu cầu thị trường rất quan trọng nhằm đảm bảo lượng hàng hóa ra thị trường nhiều, tạo ra dòng tiền lớn. Đồng thời cơ cấu sản phẩm trong doanh nghiệp phải ổn. Dòng tiền chuẩn bị thực hiện dự án cũng phải được đảm bảo để không bị cắt ngang khi đang triển khai.

Với các doanh nghiệp dịch vụ môi giới bất động sản, cần phải cơ cấu, tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình; tìm kiếm sẵn nguồn hàng thích hợp để thị trường bình ổn hơn, sau đó triển khai trong thời gian tiếp theo; có sự thích ứng linh hoạt với thị trường hiện tại để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với nhà môi giới và sàn giao dịch, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thấy rằng, việc đào tạo nâng cao chất lượng của môi giới là nhiệm vụ quan trọng. Hiệp hội đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho nhà môi giới tiếp cận kiến thức hành nghề.

Về nguồn thông tin, Hội hiện đang áp dụng quản lý hội viên và sàn giao dịch bất động sản, từng bước hỗ trợ chuyển đổi số.

Theo tôi, thị trường sẽ bình ổn, phục hồi và phát triển khi chúng ta tháo gỡ được toàn bộ các nút thắt. Thị trường sẽ có các nguồn tiền, đồng thời có thêm các chính sách ưu đãi trong thời gian tới.

Nhóm phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load