Thứ sáu 26/04/2024 03:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hội nghị Chương trình mục tiêu quốc gia tại 5 tỉnh Tây Nguyên

08:45 | 12/02/2023

(Xây dựng) – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyên về kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại điểm cầu tỉnh Gia Lai ngày 10/2.

Hội nghị Chương trình mục tiêu quốc gia tại 5 tỉnh Tây Nguyên
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Hội nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại các tỉnh Tây Nguyên.

Cần sớm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo báo cáo tại Hội nghị, 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Thông báo kết luận và tổ chức các hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc tiến độ thực hiện 3 chương trình này. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

Tây Nguyên là địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh với diện tích rộng lớn, chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm tỉ lệ 6% dân số cả nước), trong đó đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 36,5%. Đời sống nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 52%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (khoảng 72%); thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương…

Việc triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình MTQG là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên là 11.731,505 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước. Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG cho Vùng Tây Nguyên là 3.878,700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022. Tính đến ngày 31.12.2022, các tỉnh vùng Tây Nguyên giải ngân được 1.348,732 tỷ đồng, đạt 34,77% kế hoạch cấp có thẩm quyền giao, thấp hơn 2,96% so với bình quân chung của cả nước (37,73%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đề cập những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách như: công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm so với thời điểm giao kế hoạch, dự toán hàng năm của địa phương gây nhiều khó khăn cho việc cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các Chương trình; gây khó khăn trong công tác tổng hợp nhu cầu từ cấp trực thuộc để xác định danh mục dự án đầu tư trình HĐND tỉnh.

Về thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG, kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đều có thời gian thực hiện từ 2-3 năm, trong khi việc giao dự toán ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp) lại theo hàng năm.

Nêu thực tế hiện có quá nhiều văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình do các cơ quan Trung ương ban hành, hướng dẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị các bộ, ngành chủ quản Chương trình MTQG nghiên cứu, tổng hợp, hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện để địa phương dễ dàng nghiên cứu, áp dụng đồng bộ.

Hội nghị Chương trình mục tiêu quốc gia tại 5 tỉnh Tây Nguyên
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng cũng nêu nhiều vấn đề về triển khai thực hiện cũng như những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ để triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình MTQG.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phân tích các nguyên nhân tồn tại, đồng thời nêu một số giải pháp để cùng phối hợp với địa phương sớm tháo gỡ, có hướng dẫn sớm nhất giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Kết thúc Quý I/2023 phải có đủ quy định khung

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao kết quả của 5 tỉnh Tây Nguyên đã làm được, tuy có một số việc kết quả còn thấp so với cả nước, nhưng có một số việc rất có giá trị, được quan tâm tạo tiền đề tích cực để triển khai một số nhiệm vụ tiếp theo.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc triển khai các Chương trình MTQG tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung còn chậm, nhiều khó khăn. Trong đó, hệ thống văn bản, hướng dẫn quy định của Trung ương có những quy định còn chưa rõ, nhiều cách hiểu khác nhau nên địa phương khó thực hiện. Còn có tình trạng vênh nhau về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định, quy trình do sự tiếp nối các Chương trình trước đây và lồng ghép các Chương trình hiện nay, Phó Thủ tướng đề nghị cần sớm giải quyết vấn đề này.

Về nguồn vốn, giao vốn không còn lo chậm, nhưng tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai chưa giao hết; việc sử dụng các nguồn vốn chưa hợp lý cho từng loại công trình, chương trình và từng địa phương (nguồn vốn tập trung và nguồn vốn sự nghiệp). Cùng với đó là áp lực giải ngân trong quá trình thực hiện nên có nguy cơ chất lượng công trình chưa cao, hồ sơ không đầy đủ; có những khó khăn do chính các quy định của địa phương...

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, trong 3 năm còn lại, để triển khai hiệu quả chương trình MTQG trong thời gian tới cần hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, kể cả việc phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Đặc biệt, trong năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG. Do vậy việc gì làm được thì báo cáo, việc nào chưa làm được thì phải nhận khuyết điểm để sửa đổi và làm tốt hơn. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương, cấp bộ, ngành cần nỗ lực, cố gắng hơn trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các Chương trình.

Trong đó, kết thúc quý I/2023 phải có đủ quy định khung chưa ban hành; các cơ quan và cá nhân phải hoàn thành trách nhiệm của mình, kể cả cơ quan Trung ương và địa phương cần sớm nắm bắt các thông tin trong phạm vi trách nhiệm để tập trung nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị; học tập kinh nghiệm lẫn nhau để triển khai có hiệu quả tốt nhất các Chương trình...

Về phía Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu sớm tập hợp, rà soát, thống kê, tham mưu cho Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo có văn bản nhắc nhở cụ thể các bộ, ngành, địa phương về những việc phải làm kèm theo thời hạn phải hoàn thành. Tinh thần chung đến cuối Quý I/2023 phải hoàn thành các văn bản còn thiếu, có thể rà soát một số nội dung có tính chất quyết định những văn bản còn chồng chéo hoặc chưa rõ, sau đó có báo cáo Quốc hội. Nếu tích cực làm tốt, phối hợp tốt, trách nhiệm tốt thì sẽ có báo cáo hoàn chỉnh trình Quốc hội.

Bá Tứ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load