Chiều 28/4, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng nguyên nhân cá chết có thể là do chất độc, không phải do thủy triều đỏ (tảo nở hoa).
Theo Hội Nghề cá, nguyên nhân do thủy triều đỏ như bị loại trừ, vì những biểu hiện đặc trưng của thủy triều đỏ không được ghi nhận trong thực tế. Chẳng hạn, lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển; cá tầng mặt chết hàng loạt; xác tảo trôi dạt vào bờ từng mảng lớn gây ô nhiễm, hôi thối…
Hội Nghề cá đồng tình với nguyên nhân cá chết có thể do chất độc. Lý do là đa số cá chết ở tầng đáy, phát hiện lần đầu ở ven biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Chất độc theo dòng hải lưu chảy từ Bắc xuống Nam tiếp tục gây chết ở Quảng Bình, tiếp đó là Quảng Trị và phía Bắc Thừa Thiên-Huế. Tại đây, chất độc đã được pha loãng nên không thấy hiện tượng cá chết.
Liên quan việc truy tìm nguyên nhân gây ra chất độc, Hội Nghề cá cho biết, đến nay, không có bằng chứng nào (động đất, sóng thần, núi lửa…) dẫn tới nhận định đáy biển sinh ra chất độc làm chết cá tầng đáy. Do vậy, giả thiết chất độc do con người gây ra là tương đối có cơ sở.
Hội cũng đề nghị làm rõ, kết quả phân tích chất độc của mẫu đất lấy ở cuối nguồn các ống xả và kết quả phân tích, chất độc của mẫu lấy từ mang và dạ dày cá chết. Từ hai kết quả phân tích đó, có thể kết luận cá chết có phải vì chất độc không. Nếu cá chết do chất độc, thì chất độc đó có phải do nguồn xả thải của các nhà máy tại huyện Kỳ Anh không.
Theo Hội Nghề cá, trong khi chưa xác định được nguyên nhân cá chết, các bộ cần chỉ đạo các tỉnh bố trí lực lượng hằng ngày thu gom cá chết để tiêu hủy, không để xảy ra tình trạng người dân tự do gom cá mang đi nơi khác bán cho người ăn tươi, chế biến thành cá khô, cá mắm hoặc nước mắm.
Ngoài ra, cần hỗ trợ những hộ nuôi trồng thủy sản ven biển, nuôi cá biển, ngư dân khai thác thủy sản ven bờ 4 tỉnh trên bị thiệt hại. Hỗ trợ họ ít nhất 15 kg gạo/tháng, tính từ tháng 4 đến khi có giải pháp khôi phục sản xuất.
Theo Nam Khánh/Tienphong.vn
Theo