(Xây dựng) – Dịch bệnh Covid–19 vẫn trong tình trạng nguy hiểm, thì lựa chọn du lịch trong nước vẫn luôn là một giải pháp an toàn cho người dân trong nước. Hội An là một điểm đến lý tưởng, nhưng du khách đến đây không khỏi thất vọng về một di sản Cầu Chùa bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nước kênh Cầu Chùa - Hội An trở nên đen ngòm du khách chụp ngày 1/5. |
Di tích Chùa Cầu (nằm bắc qua con kênh nhỏ, giao nhau giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai - Trần Phú) là một công trình được xem là biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhưng những ngày này, cho dù Hội An rất vắng khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì con kênh nhỏ dưới chân Cầu Chùa vẫn đen ngòm một màu ô nhiễm nặng khiến nhiều du khách trở nên thất vọng khi đến thăm một di sản nổi tiếng.
Trước đây dòng nước chảy qua Chùa Cầu là mương tự nhiên. Nhưng sau đó vệt dân cư hình thành, dòng chảy gánh thêm nước thải. Thành phố từng có dự án xử lý nước thải do Pháp tài trợ nhưng không đấu nối với khu vực Chùa Cầu, dẫn đến tình trạng nơi đây vẫn bị ô nhiễm cục bộ.
Vấn đề ô nhiễm của Cầu Chùa không mới, đã có bao nhiêu biện pháp để xử lý từ nhiều năm nay, kinh phí đầu tư lên đến 260 tỷ đồng, nhưng có vẻ tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.
Tháng 11/2018, chính quyền thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hoàn thành dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu. Dự án có tổng mức đầu tư gần 260 tỉ đồng, trong đó chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỉ yên (khoảng 228 tỉ đồng), còn lại do thành phố Hội An đối ứng. Đặc biệt, nhà thầu xây dựng và đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát là các Công ty đến từ Nhật Bản.
Trạm xử lý nước thải đặt tại phường Cẩm Phô rộng 3.752m2, công suất 3.000-5000m3/ngày đêm, gồm các hạng mục nhà quản lý 2 tầng; cụm xử lý 1 tầng; các hạng mục phụ trợ và nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm xử lý nước thải dài 1,6km với hệ thống thiết bị điện và dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đồng bộ.
Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường nước khu vực, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra kênh Chùa Cầu. Từ đó, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích và xử lý nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các khu đô thị Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An. Nhưng đến nay, nước kênh Cầu Chùa vẫn đen ngòm, khiến Cầu Chùa trở nên mất đi vẻ đẹp thơ mộng, tôn nghiêm của một di tích.
Bao giờ nước kênh Cầu Chùa mới trở lại được trong xanh như xưa? Là câu hỏi nhức nhối của bao người dân yêu mến Hội An.
Hạ Ly
Theo