Thứ năm 28/03/2024 20:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xây dựng bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid -19 nặng và nguy kịch là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng Hà Nội

20:08 | 30/07/2021

(Xây dựng) – Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến nhanh, phức tạp, UBND Thành phố Hà Nội đã cho xây dựng một bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid -19 nặng và nguy kịch với quy mô hơn 500 giường tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Việc xây dựng bệnh viện dã chiến là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, khẩn cấp của ngành Xây dựng thành phố và là một trong những giải pháp tức thời, hiệu quả để giảm tải cho các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid khác trên địa bàn Thủ đô.

xay dung benh vien da chien hoi suc dieu tri benh nhan covid 19 nang va nguy kich la nhiem vu trong tam cua nganh xay dung ha noi
Khu vực xây dựng bệnh viện có diện tích lớn, nằm biệt lập với các khu dân cư lân cận. Khi hoàn thành, bệnh viện có sức chứa từ 500 đến 700 giường.

Nhanh chóng xây dựng bệnh viện dã chiến là một trong những giải pháp tức thời, hiệu quả để giảm tải cho các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid khác trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án bệnh viện dã chiến tại quận Hoàng Mai, một số hộ dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng. UBND quận Hoàng Mai đã tích cực vận động tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng để dự án được hoàn thiện nhanh nhất.

Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch có quy mô 3,5ha, với sức chứa khoảng 500 giường bệnh; dự kiến hoàn thành vào ngày 25/8. Chỉ 5 ngày sau khi có chỉ đạo, 3 ngày sau khi có mặt bằng, chủ đầu tư là Bệnh viện Đại học Y và Tập đoàn Delta là đơn vị thi công đã huy động tổng lực, thiết bị máy móc và con người để triển khai dự án.

Ông Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Đây là công trình cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đề nghị các sở, ban, ngành thành phố và các tỉnh lân cận tạo điều kiện để người, phương tiện, vật tư, thiết bị có thể ra vào và lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo ghi nhận, tại công trường thi công ngày 31/7: Hàng trăm công nhân, kỹ sư đang khẩn trương làm việc liên tục trong 3 ca, hiện đang thi công hạ tầng, kết cấu nền móng để chuẩn bị lắp dựng hoàn thiện các khu nhà. Theo thiết kế bệnh viện sẽ có khu nhà xanh là nơi tiếp đón hành chính, khu nhà vàng là nơi nghỉ dưỡng điều trị, khu nhà đỏ là nơi phân loại bệnh nhân nặng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đỗ Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai chia sẻ về tiến độ dự án: Công trình xây dựng bệnh viện dã chiến trên địa bàn quận Hoàng Mai là dự án trọng điểm của Bộ Y tế nhằm điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai đã khẩn trương thực hiện và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 3,5ha bàn giao cho Bộ Y tế xây dựng bệnh viện. Song song với việc đó, quận cũng phối hợp nhanh trong công tác đấu nối hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: Đấu nối điện, nước, xả thải, tạo luồng xanh cho các xe chở vật liệu phục vụ thi công công trình. Ngoài ra, chúng tôi cũng phê duyệt phương án tổ chức thi công đồng thời thường xuyên kiểm tra đảm bảo vừa thi công, vừa phòng chống dịch được hiệu quả, an toàn.

Bên cạnh đó, để phục vụ hoạt động của bệnh viện dã chiến, UBND quận Hoàng Mai cũng đang tiến hành giải phóng mặt bằng tuyến đường đi vào bệnh viện liên quan đến 98 hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng đối với 96 hộ dân. Còn lại 2 hộ dân, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công tuyến đường, đảm bảo khi bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động được thuận lợi nhất.

xay dung benh vien da chien hoi suc dieu tri benh nhan covid 19 nang va nguy kich la nhiem vu trong tam cua nganh xay dung ha noi
Ông Đỗ Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi tin tưởng rằng, người dân sẽ hiểu và đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án trọng điểm của Bộ Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Song song với việc đó, chúng tôi cũng đã báo cáo UBND thành phố, đề xuất cho sử dụng các biện pháp hành chính để thu hồi đất nếu như người dân không đồng thuận.

Chia sẻ thêm về tình hình triển khai xây dựng trên địa bàn, ông Đỗ Thanh Tùng thông tin: Theo chỉ đạo của UBND thành phố, những công trình trọng điểm trên địa bàn vẫn được thi công trong thời gian giãn cách tuy nhiên phải có phương án phòng chống dịch được UBND quận, huyện phê duyệt. Trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện có 3 công trình đang thi công, đó là công trình bệnh viện dã chiến, Tòa án nhân dân thành phố và cầu cạn dưới thấp của đường trên cao. Đối với 3 công trình đó đều có phương án thi công, vừa thi công vừa đảm bảo phòng chống dịch trình lên quận và được quận phê duyệt. Sau đó, chúng tôi thường xuyên kiểm tra theo phương án thi công được phê duyệt.

Công trình xây dựng bệnh viện dã chiến là công trình trọng điểm cấp bách của UBND Thành phố Hà Nội, hiện nay đang triển khai xây dựng trên địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Ông Nguyễn Hải Tú – Phó Đội trưởng đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Sở Xây dựng và UBND phường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại công trường. Hiện nay, theo báo cáo của đơn vị thi công và qua kiểm tra có khoảng 400 công nhân đang thi công xây dựng. Qua kiểm tra, chúng tôi ghi nhận các công nhân xây dựng tại công trường đều được trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn cũng như đo thân nhiệt, về công tác y tế cơ bản đảm bảo phòng chống dịch theo quy định.

“Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra và yêu cầu nhà thầu xây dựng thường xuyên cập nhật tình hình của công nhân tại công trường, nếu có biểu hiện khác thường như sốt, ho cần báo cáo ngay với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời” – ông Tú thông tin thêm.

Ngày 31/7, Đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND quận Hoàng Mai đã khảo sát tại Khu tái định cư Đền Lừ III để báo cáo UBND thành phố xây dựng phương án cụ thể để làm nơi thu dung, cách ly F0.

xay dung benh vien da chien hoi suc dieu tri benh nhan covid 19 nang va nguy kich la nhiem vu trong tam cua nganh xay dung ha noi
Khu tái định cư Đền Lừ III nằm trên đường Tân Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.

Trước đó, tại Quyết định số 212/QĐ-BXD, ngày 01/3/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành “Hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch”. Ngay sau đó, ngày 05/3/2021, Bộ Xây dựng tiếp tục có Công văn 739/BXD-KHCN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn xây dựng và quy trình đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đôn đốc các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương trong việc triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến.

Cụ thể, tài liệu hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến gồm hai phần, trong đó, phần I, áp dụng khi tận dụng, cải tạo các công trình có sẵn; phần II, áp dụng khi xây mới trên nền đất trống.

Ở phần I, Bộ Xây dựng hướng dẫn tận dụng tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật có sẵn, bao gồm cả các không gian lớn như nhà thể thao, nhà triển lãm, sân vận động… để xây dựng bệnh viện dã chiến. Hướng dẫn đề cập đầy đủ quy trình thiết kế, thi công, lắp đặt trang thiết bị công trình, trang thiết bị y tế nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ở phần II, áp dụng khi xây mới bệnh viện dã chiến trên nền đất trống, Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể các nội dung như lựa chọn địa điểm, tổ chức tổng mặt bằng, bố trí các dây chuyền công năng, tính toán diện tích sàn sử dụng, cơ cấu diện tích các khu vực chức năng…

Ví dụ, khi lựa chọn địa điểm xây dựng bệnh viện dã chiến mới cần chọn những vị trí thuận lợi, tách xa khu dân cư, có địa thế thuận lợi, bằng phẳng và cấu tạo địa chất tốt. Diện tích đảm bảo phù hợp với quy mô xây dựng. Địa điểm đó phải đảm bảo dễ dàng liên hệ và kết nối với các đầu mối giao thông (đường không, đường bộ), các khu vực cung cấp lương thực, thực phẩm, có sẵn nguồn cung cấp điện, nước sạch và thoát nước…

Về thiết kế kỹ thuật, Hướng dẫn nêu cụ thể thiết kế nền, móng, thân, mái công trình; thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm cấp nước, thoát nước, cấp điện, xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải bệnh viện, kết nối mạng…

Hướng dẫn đồng thời định hướng công tác tổ chức thi công lắp đặt, phối hợp giữa các lực lượng thiết kế, thi công, nghiệm thu để bảo đảm bệnh viện dã chiến được triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 869/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ công tác gồm 12 thành viên do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng làm Tổ trưởng. Tổ phó thường trực là ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục công tác phía Nam.

Tổ công tác có nhiệm vụ và quyền hạn: Chủ động liên hệ, nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan trong phạm vi quản lý của Bộ.

Thường xuyên báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và kịp thời đề xuất, kiến nghị đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Hỗ trợ các địa phương chuẩn bị phương án, thực hiện xây dựng các bệnh viện dã chiến, thiết lập các khu cách ly để phòng, chống dịch Covid-19; nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp để duy trì các hoạt động xây dựng trên địa bàn địa phương được liên tục, nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp đảm bảo việc cung ứng dịch vụ công ích đô thị, tránh gián đoạn…

Bài: Xây dựng bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid -19 nặng và nguy kịch là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng Hà Nội tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Khánh Hòa – Tuấn Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load