Sau một thời gian triển khai hoàn thuế điện tử, theo ý kiến của một số hiệp hội doanh nghiệp, phương thức này đang được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ bởi tính tiện dụng, minh bạch, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Hoàn thuế điện tử: Tiện dụng, minh bạch, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu với nhiều ngành nghề, như sản xuất đồ gỗ và các sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ, năm 2016, Công ty CP Chế biến Lâm sản xuất khẩu Pisico Huế phải hoàn tất hồ sơ để hoàn thuế với giá trị trên 20 tỷ đồng. Để thực hiện công việc này, nhân viên kế toán đã phải lên văn phòng Cục Thuế tỉnh khoảng 20 lần, chưa kể các hồ sơ hoàn thuế cần chỉnh sửa hoặc sai sót…
“Nay toàn bộ giao dịch giữa cơ quan thuế với doanh nghiệp trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã được điện tử hóa nên doanh nghiệp ngồi nhà cũng sẽ được hoàn thuế, không phải mất thời gian, công sức đến cơ quan thuế, giảm được việc tiếp xúc giữa công chức thuế và người nộp thuế” đại diện Công ty Pisico chia sẻ.
Giải pháp cải cách hành chính hiệu quả
Từ tháng 5/2017, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai hoàn thuế điện tử trường hợp hoàn thuế xuất khẩu và dự án đầu tư. Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là bước tiến mới của ngành thuế trong hiện đại hóa công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế.
Ông Dương Tuấn Anh cho biết, qua một thời gian triển khai đa số các doanh nghiệp đã rất phấn khởi với các lợi ích mà ứng dụng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) điện tử đem lại cho doanh nghiệp. Nhìn chung là các doanh nghiệp đều tỏ ra đồng tình và ủng hộ việc cải cách hoàn thuế GTGT điện tử.
“Điều đó chứng minh rằng, hoàn thuế điện tử thực sự là một trong những giải pháp cải cách hành chính hiệu quả của ngành Thuế, sẽ góp phần lớn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo mục tiêu của Nghị quyết 36a và các Nghị quyết 19 mà Chính phủ đã đề ra”, ông nhận định.
Theo đánh giá của ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoàn thuế điện tử giảm được nhiều thời gian so với việc đề nghị hoàn trực tiếp, doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian để đi lại nộp, gửi, nhận hồ sơ, thông báo quyết định... Đặc biệt, việc này rất hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với quy mô lao động gián tiếp chỉ có một vài người.
Hơn nữa, do đây là hình thức hoàn thuế mà doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ tài liệu hoàn thuế, nhận các thông tin phản hồi từ phía cơ quan quản lý thuế, thậm chí cả tiền hoàn thuế cũng trên hệ thống thông tin điện tử nên ngoài việc tiết kiệm thời gian, giảm được các chi phí cho việc in ấn tài liệu hồ sơ… thì còn hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp làm giảm tiêu cực phát sinh. Phương thức này cũng bảo đảm được tính công khai minh bạch ở mức độ cao hơn.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng đây là bước tiến mới phù hợp quy luật và tiến trình hội nhập của Việt Nam, phù hợp với năng lực, trình độ công nghệ thông tin đang phát triển của đất nước. Ông đánh giá cao phương thức hoàn thuế điện tử cũng bởi nó tạo sự minh bạch cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế, góp phần giảm thiểu các tiêu cực phát sinh.
Thêm một ưu điểm của việc hoàn thuế điện tử mà ông Toàn nêu ra đó là, tất cả thông tin, dữ liệu về thuế của doanh nghiệp được lưu trữ tự động, cập nhật trong hệ thống của cơ quan thuế và doanh nghiệp, tạo sự đồng nhất, chính xác và minh bạch. Cơ quan quản lý thuế không phải nạp dữ liệu vào hệ thống từ các tờ khai cứng như phương thức truyền thống, do vậy không có sự vênh sai hồ sơ trong máy tính và hồ sơ giấy được lưu trữ. Doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế dễ dàng truy xuất, kiểm tra.
“Hoàn thuế điện tử sẽ là điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính của Tổng cục Thuế trong năm 2017”, ông Toàn khẳng định.
Cần những “cánh tay nối dài”
Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, trong thời gian đầu ngành Thuế nên tăng cường tối đa công tác tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp và cán bộ thuế như tổ chức nhiều nhóm hỗ trợ doanh nghiệp, có thể hỗ trợ qua hình thức điện thoại trực tuyến, in ấn các tài liệu tuyên truyền để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về mặt kỹ thuật và các nghiệp vụ liên quan...
Mặt khác, ngành Thuế cần có cơ chế tiếp nhận phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp về các thủ tục, quy trình xử lý... để ngày càng hoàn thiện hơn về công nghệ ứng dụng thông tin, đáp ứng được mong mỏi từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ý kiến của ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ngành Thuế cần hướng dẫn cụ thể quy trình, vận hành phần mềm hoàn thuế điện tử tránh sai sót doanh nghiệp phải thực hiện lại nhiều lần. Số lượng hồ sơ, chứng từ trong kê khai để hoàn thuế GTGT cần phải đơn giản hơn, ít loại giấy tờ hơn, nhưng vẫn bảo đảm độ chính xác, trung thực. Các đơn vị thuế phải luôn bảo đảm phần mềm chạy thông suốt, không bị tắc nghẽn khi vận hành.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng thì cho rằng, việc áp dụng hoàn thuế điện tử cũng cần cân nhắc thêm một số vấn đề về hóa đơn và việc điều chỉnh sau kiểm toán. Hiện nay cơ quan thuế là đơn vị kiểm soát các doanh nghiệp đang hoạt động, những doanh nghiệp đã giải thể. Bản thân các doanh nghiệp khi lập hóa đơn không thể nắm được hết những thông tin này. Do đó khi lập hóa đơn, nếu phát sinh vấn đề (chẳng hạn doanh nghiệp được kê khai trong hóa đơn đã giải thể) thì doanh nghiệp kê khai lại là đơn vị phải chịu phạt.
Bên cạnh đó, trường hợp các đơn vị kiểm toán thường thực hiện kiểm tra sau 5 năm. Khi phát sinh sai sót đòi hỏi doanh nghiệp phải chỉnh sửa, điều này sẽ khó khăn với những nội dung hoàn thuế bằng phương pháp điện tử.
Còn ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam lại đặt vấn đề về phạm vi hoàn thuế. Việc hoàn thuế điện tử này mới chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp, áp dụng đối với hoàn thuế GTGT xuất khẩu và đầu tư. Các trường hợp còn lại như hoàn thuế GTGT đối với các dự án sử dụng ODA, khách du lịch xuất cảnh, giải thể, phá sản, nộp thừa, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp… vẫn chưa thực hiện điện tử.
“Hiện nay một số doanh nghiệp cũng đang còn tồn hàng chục tỷ tiền thuế chưa được hoàn vì chưa có quy định xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin, và đang bị chiếm dụng vốn. Chúng tôi trông chờ động thái mới của Bộ Tài chính để tháo gỡ”, ông Điều chia sẻ.
Từ thực tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, theo quan điểm của ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh thì ngành Thuế cũng nên phổ biến thêm tới các đại lý thuế bởi nhiều doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và vừa nên chưa có cán bộ chuyên trách về tài chính kế toán. Do vậy doanh nghiệp vẫn cần những “cánh tay nối dài” như đại lý thuế để được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện.
Theo An Thủy Hằng/Baochinhphu.vn