Thứ sáu 13/09/2024 12:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng

20:35 | 03/10/2019

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, chi phí tuân thủ pháp luật thấp, góp phần giảm thiểu các tranh chấp hợp đồng và nâng xếp hạng chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam.

Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Đề án là nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng; rà soát tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và luật mẫu, tập quán quốc tế phổ biến có liên quan.

Cụ thể, Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế về giải pháp hoàn thiện khung pháp luật hợp đồng, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong mối quan hệ luật chung, luật riêng; hoàn thiện phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại, hòa giải thương mại và biện pháp đảm bảo hiệu quả việc triển khai thi hành pháp luật liên quan.

Rà soát, đánh giá tính tương thích của pháp luật Việt Nam về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng với các điều ước quốc tế về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và luật mẫu, tập quán quốc tế phổ biến có liên quan.

Nghiên cứu đánh giá khả năng gia nhập Công ước Liên hợp quốc vè Thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế đạt được thông qua hòa giải (Công ước Singapore về Hòa giải) và các giải pháp thực thi Công ước.

Nhiệm vụ và giải pháp khác mà Đề án đưa ra là rà soát cụ thể, đánh giá pháp luật hợp đồng và đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật trong từng lĩnh vực liên quan. Theo đó, rà soát cụ thể, đánh giá pháp luật và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật hợp đồng trong lĩnh vực: Công thương, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; lao động, việc làm; kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán; tài nguyên - môi trường; xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản; tín dụng, ngân hàng; giao thông vận tải.

Bộ Tư pháp chủ trì rà soát cụ thể, đánh giá các quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng (bao gồm các quy định về hợp đồng liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ, hợp đồng liên quan công nghệ chuỗi khối (blockchain), hợp đồng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4...); xác định quy định mang tính nguyên tắc chung, cần có hướng dẫn cụ thể và đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn.

Cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng

Đề án nêu rõ, về cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao chủ trì nghiên cứu và đề xuất Hội đồng thẩm pháp Tòa án nhân dân tối cao ban hành các án lệ, nghị quyết hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trọng tài thương mại liên quan hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Xây dựng, ban hành hoặc trình, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng theo hướng giảm thiểu thời gian, chi phí, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp.

Hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng giảm thiểu thời gian, chi phí, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng thi hành án dân sự; thi hành có hiệu quả, kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án, trọng tài thương mại; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự, bao gồm triển khai việc thu án phí không dùng tiền mặt.

Đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao với Bộ Tư pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự và một số hoạt động bổ trợ tư pháp khác (bao gồm: luật sư, công chứng, giám định, bán đấu giá tài sản).

Công khai thông tin giao dịch bảo đảm được đăng ký tại các Trung tâm của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; các hoạt động đang thực hiện nhằm hoàn thiện thể chế về giao địch bảo đảm; tổ chức hội nghị đối thoại về các giải pháp nâng cao chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật....

Theo Chí Kiên/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load