Thứ bảy 12/10/2024 06:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Hoàn thiện cơ chế giám sát và kiểm soát thực thi quyền lực

17:01 | 13/11/2018

Tại phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, ngày 13/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng; đề ra các giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để. Báo cáo vẫn chưa tách bạch được sai phạm về tham nhũng với các sai phạm khác được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn chậm, chồng chéo

Năm 2018, Chính phủ đã coi xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp vẫn còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; vẫn còn một số văn bản quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng nhưng chưa được kịp thời sửa đổi. Việc đánh giá tác động của chính sách còn hình thức; còn những quy định thiên về thuận lợi cho bộ, ngành, địa phương, mà chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, qua kiểm tra của cơ quan chức năng, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri cho thấy, còn nhiều văn bản ban hành trái pháp luật, vi phạm nội dung, căn cứ pháp lý, thẩm quyền ban hành... đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trong một số lĩnh vực, văn bản pháp luật được ban hành quá nhiều dẫn đến quy định tản mạn, chồng chéo, gây khó khăn cho việc áp dụng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được các cấp, các ngành chú trọng, gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Chính phủ, các cơ quan hữu quan tăng cường công tác chủ động thông tin, công khai rộng rãi cho báo chí, nhân dân về kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; báo chí, người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia giám sát, phản hồi, phát hiện, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng...

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, việc tuyên truyền thông qua hình thức phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa phát huy hiệu quả tích cực; một bộ phận cán bộ, đảng viên nói vẫn không đi đôi với làm, nhũng nhiễu, đòi hối lộ... đã tác động tiêu cực, làm giảm đáng kể tác dụng của công tác tuyên truyền. Việc đăng tải thông tin trong một số trường hợp còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác, vi phạm các quy định về hoạt động báo chí trong thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng.

Biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên cũng chỉ rõ công tác này còn một số hạn chế. Điển hình như một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm cải cách thủ tục hành chính. Việc công khai, minh bạch hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế.

Về kê khai tài sản, thu nhập, năm 2018, số lượng bản kê khai là rất lớn. Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh đối với 44/1.136.902 người đã kê khai, nhưng chỉ phát hiện sáu trường hợp vi phạm (tăng một trường hợp so với năm 2017) cho thấy biện pháp này chưa phát huy hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.


Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri, báo chí, cho thấy việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện "nhóm lợi ích," móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau," "công ty gia đình," dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công...

Bên cạnh đó, tại một số bộ, ngành, địa phương, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn chưa đúng quy định, nhiều đoàn đi nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng chủ yếu là để tham quan, du lịch, giải quyết chế độ, chính sách... Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, mô hình tổ chức thiếu ổn định đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.

Góp phần phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về những kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít (Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển bốn vụ việc sang cơ quan điều tra). Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục (năm 2016, kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỷ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ chuyển hai vụ việc sang cơ quan điều tra).

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo quy định, dẫn đến việc người dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Công tác bảo vệ người tố cáo nói chung, tố cáo tham nhũng nói riêng mặc dù đã được tăng cường, nhưng vẫn có tình trạng ngăn cản, đe dọa người tố cáo làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự xã hội.

Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả rất tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, theo đó số vụ việc tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng cao so với năm 2017.

Tuy nhiên, công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che, tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.

Việc vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa được khắc phục. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều. Công tác giám định tài sản để xử lý tham nhũng là vấn đề còn vướng mắc trong nhiều năm, nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn rất thấp.

Cần giải pháp phòng, chống tham nhũng tương xứng

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay; bên cạnh ""tham nhũng vặt," các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức "nhóm lợi ích," doanh nghiệp "sân sau," "công ty gia đình"... đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.

Tán thành với tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh một số nội dung cần được tập trung khắc phục trong năm 2019; đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công (đất đai, nhà...) tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức "nhóm lợi ích," "sân sau"... để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế.

Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo toàn ngành tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phát hiện được qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Theo HẠNH PHÚC (TTXVN/VIETNAM+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load