(Xây dựng) - Sáng 28/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội XIII đã nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hộ tịch.
Đạo luật được coi là “luật của luật”!
Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật ban hành văn bản pháp luật của Ủy ban pháp luật của Quốc hội: Luật ban hành văn bản pháp luật là đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, được coi là “luật của luật”, là nền tảng pháp lý cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, Luật ban hành văn bản pháp luật lần này được sửa đổi, xây dựng trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp mới, tạo khuôn khổ hiến định rộng lớn cho việc xác định rõ hơn sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đề cao quyền con người, quyền công dân, theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật; chú trọng công tác hoạch định, quyết định chính sách trong quá trình lập pháp, v.v...
Đồng thời, việc xây dựng Luật ban hành văn bản pháp luật nhằm khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật hiện nay quá phức tạp, cồng kềnh, nhiều hình thức văn bản pháp luật do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến chính quyền cấp xã ban hành, gây khó khăn cho việc tuân thủ, áp dụng pháp luật; hiệu lực thi hành của các văn bản pháp luật chưa cao, thiếu tính ổn định...
Về cơ bản, Ủy ban pháp luật tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và nhận thấy dự án Luật ban hành văn bản pháp luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, để đề xuất các quy định mới trong dự thảo Luật có tính khả thi cao thì việc đánh giá các hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành, đặc biệt, là phân tích nguyên nhân của các hạn chế, bất cập cần được cụ thể, sâu sắc hơn. Trong đó, cần phân biệt giữa hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành và hạn chế do việc tổ chức thực hiện, để từ đó, đưa ra các kiến nghị trong dự thảo Luật chính xác hơn, phù hợp và khả thi hơn.
Do vậy, Ủy ban pháp luật nhất trí về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật ban hành văn bản pháp luật trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: Dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và tổ chức thi hành văn bản pháp luật. Để thống nhất cách hiểu về văn bản pháp luật, dự thảo Luật quy định: “văn bản pháp luật” thay cho “văn bản quy phạm pháp luật” theo cách hiểu truyền thống trước đây. Theo đó, văn bản pháp luật trong Luật này được hiểu là văn bản có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi cá nhân, tổ chức trong phạm vi cả nước hoặc địa giới hành chính nhất định, do cơ quan Nhà nước ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản pháp luật và được Nhà nước bảo đảm thực hiện (khoản 1 Điều 2).
Đề nghị miễn phí hộ tịch với người có công
Báo cáo Quốc hội tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hộ tịch. Đối với dự án Luật hộ tịch, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật hộ tịch. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật hộ tịch. Dự án Luật cũng được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Nhìn chung các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với nội dung của dự thảo Luật và góp ý vào một số điều, khoản cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hộ tịch.
Mặc dù giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân tuy có mối liên hệ với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Hộ tịch là những sự kiện quan trọng về nhân thân của công dân (như khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận cha, mẹ, con, dân tộc...) được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ. Còn hộ khẩu và căn cước công dân chủ yếu để phục vụ công tác quản lý trên lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thực tế ở nước ta từ nhiều năm nay, vấn đề hộ tịch, căn cước công dân và hộ khẩu được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác nhau; vấn đề hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý, vấn đề hộ khẩu và căn cước công dân do Bộ Công an quản lý. Do đó, để bảo đảm sự ổn định trong quản lý dân cư, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh như dự án Luật hộ tịch Chính phủ trình Quốc hội.
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng: Về cơ bản tôi nhất trí với báo cáo của Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tuy nhiên tôi xin góp ý về việc xác nhận tình trạng độc thân cho người đi đăng ký kết hôn. Thực tế việc này chúng ta vẫn đang làm, tuy nhiên theo quy định thì trước khi đi đăng ký kết hôn, người đi đăng ký kết hôn phải đi xin giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của chính quyền địa phương, thực tế khi xác minh những giấy tờ này lại không hề có quy định phải được ghi vào sổ nào và hồ sơ nào. Do vậy quy định như thế này sẽ xảy ra trường hợp một người có thể xin nhiều giấy xác nhận để đi đăng ký kết hôn ở nhiều nơi, tôi thấy việc này là bất cập và cần xem xét lại.
Cũng tại Điều 18 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn, tôi thấy chưa chặt chẽ. Cụ thể là dự thảo quy định sau hai ngày làm việc thì công chức tư pháp kiểm tra trong tư liệu, hồ sơ hộ tịch để báo cáo Chủ tịch xem xét, giải quyết cho người đăng ký hộ tịch. Tôi thấy việc rút thời gian xuống hai ngày là rất tốt, nhưng có lẽ với thời gian hai ngày là không đủ điều kiện cho cán bộ hộ tịch để xác minh các quan hệ và các vấn đề của công dân đi đăng ký kết hôn. Ngoài ra quy định việc Chủ tịch UBND xã cấp trích lục cho người đi đăng ký kết hôn theo yêu cầu. Tuy nhiên tôi cho rằng, việc này là chưa đúng, mà Chủ tịch UBND xã phải cấp bản chính cho người đăng ký kết hôn chứ không phải cấp trích lục.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng: Đối với quy định về lệ phí hộ tịch, tôi đề nghị bổ xung những người thuộc diện là người có công với cách mạng, có công với nhà nước được miễn về lệ phí hộ tịch. Một điểm nữa là, hàng năm Việt Nam chúng ta có hàng nghìn cô dâu có đăng ký kết hôn với người nước ngoài, vì thế hàng năm cũng có hàng nghìn trẻ em ra đời, thực tế thì việc đăng ký hộ tịch cho trẻ em có những yếu tố nước ngoài đã có những khó khăn. Do vậy tôi đề nghị bổ xung những quy định cụ thể trong thủ tục đăng ký hộ tịch cho trẻ em có yếu tố nước ngoài.
Vũ Chiến
Theo