(Xây dựng) - Đã gần 4 năm, kể từ ngày đương sự nộp đơn khởi kiện ra tòa, song toà không chịu xử. Nguyên đơn, Cty CP Sách – Văn hóa tổng hợp Hòa Bình bị nhân viên cũ là bà Lê Thị Hân đã “quỵt đất” của doanh nghiệp.
Đất hiệu sách bị bà Lê Thị Hân chiếm dụng
Đòi không được, Cty phải phát đơn khởi kiện bà Hân ra Tòa án nhân dân huyện Lương Sơn. Tòa thụ lý nhưng chẳng chịu xử. Chán nản, đương sự lên hỏi thẩm phán, thẩm phán chỉ sang chánh tòa, hỏi chánh tòa, chánh tòa bảo…chờ đo đạc. Ai cố tình làm “chìm”vụ án. Trách nhiệm của Chánh án huyện Lương Sơn đến đâu khi để vụ án kéo dài?
Bà Lê Thị Hân, người trông đất của cơ quan xong không chịu trả
“Sói gửi chân chùa”
Trao đổi với phóng viên, đại diện cho Công ty, ông Phạm Quang Minh, Giám đốc Công ty CP Sách – văn hóa tổng hợp Hòa Bình, có địa chỉ tại tổ 24, Phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình tố cáo: Tháng 10/2010, bà Lê Thị Hân, nhân viên của công ty được nghỉ hưu, hiện trú tại tiểu khu 12, thị trấn Lương Sơn. Trong lúc làm thủ tục xin nghỉ, bà này vẫn cam kết thực hiện đúng quy chế. Tuy nhiên, kể từ ngày “nhận sổ” bà Hân bắt đầu có biểu hiện chống đối. Không chịu bàn giao lại Ki-ốt cho doanh nghiệp. Để dứt điểm việc đất đai, liên tiếp các ngày 2/3; 18/3 và 12/4, Cty Sách đã gửi giấy mời bà Hân lên yêu cầu trả lại cửa hàng sách, tuy nhiên bà này chây ì không chịu trả, cũng không chứng minh nổi là đất của mình.
Ông Đinh Văn Hoan, Chánh án tòa Lương Sơn
Làm việc với phóng viên, bà Lê Thị Hân (1956), người bị tố cáo, bà Hân thừa nhận: Đúng là khu đất mà Cty Sách đang khởi kiện là do bà quản lý. Lý do bà này không trả vì đó là đất của công ty… nhiếp ảnh(thực tế, Cty Nhiếp ảnh và Cty Sách đã sát nhập từ lâu). Bởi vậy, do bà quản lý lâu rồi thì phải để cho bà. Bà Hân cũng “trách” tòa: Khi biết tin Cty Sách khởi kiện bà ra Tòa, bà cũng mong tòa sớm đưa vụ việc ra phân xử, nhưng không hiểu sao ông Đinh Văn Hoan, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Lương Sơn không chịu đưa vụ việc ra xét xử, bởi vậy bà vẫn chờ tòa xét xử. Cũng tại buổi trao đổi, bà Hân không hề có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh được đất đang quản lý là của mình.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Cty CP Sách và văn hóa tổng hợp là doanh nghiệp nhà nước đặc thù, ngay từ thời còn bao cấp, công ty này đã được UBND Tỉnh Hòa Bình quan tâm, cấp đất để xây dựng hiệu sách nhân dân tại 10 huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Mục đích là giúp nhân dân thuận tiện trong việc đọc và mua các nhu thiết yếu văn hóa phẩm. Bà Lê Thị Hân, một nhân viên của Cty được giao nhiệm vụ tại hiệu sách huyện Lương Sơn, trực tiếp bán hàng. Tháng 7/2002, bà Hân có đề nghị Cty “hợp thức hóa” cho cá nhân phần diện tích đất quầy hàng của cty, nhưng giám đốc cty không đồng ý. Ngày 5/8/2002, Cty nhận được đơn cả bà Hân đề nghị cho sửa chữa quầy hàng và củng cố nơi ăn, ở. Sau đó, bà này lén lút đào móng làm nhà. Phát hiện sai phạm, phía Cty đã báo cáo lên UBND huyện, các cơ quan chức năng và lập biên bản, yêu cầu bà này dừng xây dựng. Cũng vì lý do nhân văn, phía Cty vẫn để bà Hân làm nhân viên.
Sau này, khi đòi bà Hân không được, cực chẳng đã, phía công ty đã phải làm đơn khởi kiện bà Lê Thị Hân ra tòa từ năm 2011. Điều lạ, kể từ ngày đó đến nay, thẩm phán Vũ Duy Tuấn đều lần lữa, tìm cách lảng tránh vụ việc. Không chịu đưa vụ án ra xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật. Vậy trách nhiệm của thẩm phán này đến đâu? Ai sẽ là người mang lại niềm tin và công lý ?
Đại diện Cty Sách và văn hóa tổng hợp
Mục đích gì?
Qua điều tra, chúng tôi được biết: việc Tòa án nhân dân huyện Lương Sơn cố tình “ngâm án” là có chủ ý, bởi: Trong tất cả các hồ sơ, giấy tờ của Cty CP Sách – Văn hóa tổng hợp Hòa Bình giao nộp cho thẩm phán Vũ Duy Tuấn đều có đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của Cty. Văn phòng đăng ký cấp quyền sự dụng đất của Sở Tài nguyên môi trường Hòa Bình cũng đã về đo đạc bằng máy để làm giấy tờ cho công ty. Các sai phạm của bà Lê Thị Hân trong việc “cướp đất” vẫn còn các bằng chứng như biên bản đình chỉ xây dựng của Thanh tra huyện Lương Sơn. Thậm chí, trong biên bản hòa giải ngày 21/11/2011 tại UBND thị trấn Lương Sơn, bà Hân cũng đã thừa nhận diện tích đất bà Hân làm nhà là của Cty. Nhưng bà Hân không trả và đề nghị các cấp giải quyết cho bà.
Rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Đinh Văn Hoan, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Lương Sơn. Ông Hoan cho biết: Ông Hoan thừa nhận phía Tòa đã tiếp nhận vụ việc đã lâu. Nhưng Tòa chưa đưa vụ việc ra xét xử vì thẩm phán Tuấn, người được giao phán xét vụ án quá bận bịu nhiều việc nên chưa đưa vụ án ra xét xử được. Thứ 2 là do Trung tâm đo đạc đất đai của huyện chưa có kết luận đo đạc, bởi vậy tòa chưa rõ nên chưa có cơ sở xét xử. Rồi ông này “phân bua”, chúng tôi cũng muốn làm dứt điểm, nhưng có nhiều áp lực (?)
Mâu thuẫn với lời ông Đinh Văn Hoan, Chánh án tòa Lương Sơn, một lãnh đạo của Tòa án nhân dân Tỉnh Hòa Bình cho biết: theo quy định của pháp luật, đối với vụ án bình thường thì sau ngày khởi kiện, khoảng 2 tháng là phải đưa ra xét xử, chậm nhất là 6 tháng phải xét xử. Phía lãnh đạo Tòa tỉnh cũng không nhận được văn bản báo cáo nào của tòa huyện gửi lên, bởi vậy khi nghe phóng viên đặt câu hỏi, lãnh đạo tòa cũng hơi bất ngờ.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhìn nhận: việc Tòa án Lương Sơn cố tình không đưa vụ án ra xét xử là hành vi trái luật, cố tình vi phạm. Nếu Tòa huyện không xử, người khởi kiện có thể làm đơn “tố” lên các Tòa cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt vai trò, trách nhiệm của Chánh án, thẩm phán khi xem xét, xử lý vụ việc. Nếu cố tình làm trái các quy luật sẽ bị xử lý.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc “ngâm án” này.
Đà Giang
Theo