Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục đích đảm bảo cho các hộ dân trong Vùng có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định và từng bước tiến tới phát triển bền vững "bảo đảm điều kiện để chung sống với lũ". Đây là Chương trình trọng điểm của Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương liên quan hết sức quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Chương trình được xây dựng hoàn thành và đã phát huy hiệu quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chiến lược đảm bảo an sinh vùng lũ.
Hiệu quả rõ rệt
Trong những năm qua, các dự án đầu tư thuộc giai đoạn 1 của Chương trình được xây dựng hoàn thành và đã phát huy hiệu quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chiến lược đảm bảo an sinh vùng lũ, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững của các địa phương trong Vùng.
Trong số 8 tỉnh, TP có dự án thuộc Chương trình thì có 7 tỉnh, TP thực hiện đạt kết quả tốt các mục tiêu cơ bản của Chương trình là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ.
Báo cáo của các tỉnh, TP trong Vùng cho biết, trong mùa lũ năm 2011, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư đã phát huy hiệu quả tối đa. Các hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư không bị thiệt hại về người và tài sản do lũ, lụt. Trong thời gian có lũ, mọi sinh hoạt của người dân trong cụm, tuyến vẫn diễn ra bình thường. Những nhu cầu thiết yếu nhất như học hành, khám chữa bệnh của người dân vẫn được đảm bảo. Nhà nước và chính quyền các địa phương không phải tốn thời gian và kinh phí để thực hiện hỗ trợ cho người dân như trước đây khi chưa có cụm, tuyến dân cư.
Còn theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là chương trình trọng điểm của Chính phủ, đã được các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương và người dân ủng hộ và tích cực tham gia. Các mục tiêu của Chương trình đã đạt được ở mức rất cao. Cụ thể, toàn vùng đã xây dựng cụm, tuyến dân cư và bờ bao để đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho gần 140 nghìn hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ thuộc 8 tỉnh, TP. Ngoài ra, có gần 12 nghìn hộ mua nền sinh lợi đã vào ở trong các cụm, tuyến dân cư cũng được đảm bảo an toàn trong thời gian có lũ.
Đi đôi với việc tôn nền để giải quyết diện tích đất cho nhân dân xây dựng nhà ở, Chương trình đã đảm bảo điều kiện để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên các cụm tuyến dân cư như giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, y tế, giáo dục…, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân, kể cả trong điều kiện có lũ. Chất lượng xây dựng các cụm, tuyến và bờ bao đều đảm bảo an toàn trước trận lũ lớn trong thời gian dài; được xây dựng đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị, nông thôn và quy hoạch thoát lũ của toàn vùng; gắn với điều kiện sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của bà con nông dân. Đến nay, đa số các cụm, tuyến dân cư đã thực hiện tốt việc quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự cảnh quan môi trường...
Tăng tốc Chương trình giai đoạn 2
Ngay sau khi Quyết định phê duyệt các dự án đầu tư bổ sung (giai đoạn 2) thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ vùng ĐBSCL của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, hầu hết các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện. Rút kinh nghiệm của giai đoạn 1, các địa phương đã chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, lựa chọn vị trí xây dựng các cụm, tuyến dân cư (123 cụm, tuyến và 49 bờ bao) đảm bảo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với quy hoạch kiểm soát lũ.
Các tỉnh cũng chỉ đạo triển khai thực hiện ngay công tác bồi thường, GPMB; thực hiện lập thiết kế, dự toán và tiến hành giao thầu thi công theo hình thức đấu thầu hoặc theo hình thức chỉ định thầu thi công.
Đến nay, có nhiều địa phương đạt được kết quả tốt trong công tác tôn nền, đắp bờ bao là tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Hậu Giang. Các địa phương cũng đã hoàn thành xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông nội bộ, công trình thoát nước thải, cấp nước sạch, điện sinh hoạt đạt 75 – 86,5%; xây dựng xong 15.550/36.327 căn nhà (đạt tỷ lệ 43%); bố trí 25.283/57.252 hộ dân vào ở trong cụm, tuyến và bờ bao, đạt tỷ lệ 44%...
Có thể thấy, mặc dù chưa hoàn thành toàn bộ chương trình, nhưng tại các cụm, tuyến hoàn thành tôn nền, người dân đã có thể lên đó để tránh lũ.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư giai đoạn 2 nhìn chung còn chậm so với yêu cầu và không đồng đều ở các địa phương. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần rà soát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện của từng dự án để xác định khối lượng còn lại chưa thực hiện, cũng như những khó khăn vướng mắc của từng dự án để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết. Căn cứ khối lượng còn lại, các địa phương xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể của từng dự án, từng xã, từng huyện kèm theo biện pháp thực hiện phù hợp, đồng thời thường xuyên thực hiện kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc... Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ số vốn ngân sách Trung ương còn thiếu cho các địa phương thực hiện; các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh với nhau và với các huyện, xã; bố trí đủ và kịp thời vốn ngân sách và vốn vay theo quy định; tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ dân thuộc diện đối tượng tham gia xây dựng nhà ở và khẩn trương vào ở trong các cụm, tuyến dân cư. |
Linh Anh
Theo