Thứ sáu 19/04/2024 22:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Ngành thép nắm bắt thời cơ

10:48 | 10/06/2020

Xuất khẩu thép của Việt Nam chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 57,8% trong tổng kim ngạch xuấ khẩu. trong khi thị trường châu Âu mới chỉ đạt 3,18%.

hiep dinh thuong mai tu do viet nam eu nganh thep nam bat thoi co
Công nhân nhà máy thép thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn NS BlueScope (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang đóng gói thành phẩm thép mạ. (Nguồn: TTXVN)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV phê chuẩn. Với Hiệp định này, ngành thép được kỳ vọng sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi khi có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt hơn 815.000 tấn với kim ngạch 454 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng xuất khẩu trên tăng tới 47% về lượng và tăng 24% về giá trị.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, đạt khoảng 494.000 tấn, giá trị 263 triệu USD, chiếm 60% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 57,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường các nước châu Âu mới chỉ đạt 3,18%.

Mặc dù số liệu về xuất khẩu của ngành thép khả quan hơn rất nhiều so với năm 2019, song tỷ lệ xuất khẩu sang riêng khối EU đã giảm hơn 1/2 so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong lĩnh vực thép, cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Việt Nam vẫn chỉ tập trung ở một số thị trường truyền thống, như: ASEAN, Hoa Kỳ... và thị trường trong nước. Vì vậy, cơ hội của ngành thép Việt để xuất khẩu sang thị trường EU là rất lớn.

Thêm vào đó, trong bối cảnh cạnh tranh, dịch bệnh từ đầu năm tới nay tại các nước châu Âu cũng khiến cho khu vực này bị đình trệ, thị trường xuất khẩu hẹp lại. Xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng khiến cho việc mở rộng thị trường cũng rất khó khăn.

“Hy vọng rằng, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, với những ưu đãi về thuế quan sẽ là một thị trường lớn cho doanh nghiệp tôn thép nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đẩy mạnh xuất khẩu. Cơ hội sẽ là rất lớn nhưng doanh nghiệp có tận dụng được hay không lại là điều quan trọng,” ông Sưa nói.

Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), mặc dù các điều khoản trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có lợi cho Việt Nam, nhưng nếu không biết cách tận dụng thì các doanh nghiệp vẫn không thể mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu.

Vì thế, bản thân các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi FTA qua việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết. Từ đó, vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả.

Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn và kỹ thuật đã cam kết; nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu.

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết trong bối cảnh hội nhập, bản thân doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của chính mình, thông qua nâng cao chất lượng, giảm giá thành, hay đảm bảo thời gian, dịch vụ cung ứng sản phẩm. Vấn đề này, doanh nghiệp cũng đã có các biện pháp để nâng cao chất lượng.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Ống thép Hòa Phát, cho biết để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là việc mở rộng thị trường sang EU, công ty duy trì áp dụng các phần mềm, kiểm soát sản xuất; quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015.

Đồng thời, công ty sẽ triển khai sâu rộng việc thống kê đánh giá ở ba chỉ tiêu chính gồm: năng suất lao động, định mức tiêu hao và chất lượng sản phẩm; trong đó, việc kiểm soát tiêu hao nguyên vật liệu, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng là mục tiêu quan trọng nhất.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (giai đoạn 2019-2023); 4,57-5,30% (giai đoạn 2024-2028) và 7,07-7,72% (giai đoạn 2029 - 2033).

Lợi ích thấy rõ nhưng để tận dụng được cơ hội mở ra ngay khi Hiệp định có hiệu lực, không ít quan điểm cho rằng, việc chuẩn bị, trước hết là khâu hoàn thiện thể chế, tuyên truyền mạnh mẽ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp… cần được chú trọng.

Để có thể hóa giải thách thức, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, một số chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại, giải pháp quan trọng là tăng cường nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường (xu hướng cung cầu và giá cả,…); xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật.

Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, một trong những nội dung trong Kế hoạch thực hiện này sẽ tập trung vào tăng cường phổ biến về Hiệp định EVFTA cho các đối tượng có liên quan dưới các hình thức đổi mới sáng tạo hơn; thiết lập và tăng cường liên kết đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA tại các bộ, ngành và địa phương…

Về xây dựng pháp luật, thể chế, sẽ thực hiện rà soát pháp luật trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của Hiệp định EVFTA.

Ở góc độ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ xác định xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào các nhóm công việc lớn này, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị, địa phương mình cũng như tăng cường việc giám sát thực hiện để bảo đảm việc thực thi của Việt Nam được đầy đủ, hiệu quả và đồng bộ./.

Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load