Thứ tư 16/10/2024 07:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Hiến pháp sửa đổi là đảm bảo chính trị-pháp lý vững chắc

11:24 | 09/12/2013

Ngày 28/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), được thông qua ngày 28/11/2013.

Nhân sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã có bài viết khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện chính trị-pháp lý có tính lịch sử này.

Báo Xây dựng xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:

Trong không khí trang trọng, vinh dự và đầy trọng trách, 9 giờ 50 phút ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Bản Hiến pháp sửa đổi lần này là kết quả của một quá trình làm việc hết sức công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ.

Có lẽ trong lịch sử lập hiến của nước ta hiếm có một cuộc sinh hoạt chính trị-pháp lý nào được nhân dân trong và ngoài nước tham gia đóng góp một cách đông đảo, dân chủ, sâu rộng và thực chất như lần này. Với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ ý kiến đóng góp của nhân dân; các cơ quan có trách nhiệm và các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, tâm huyết để cuối cùng có được một bản Hiến pháp sửa đổi thông qua với sự đồng thuận rất cao.

Điều đó chứng tỏ Hiến pháp đã phản ảnh được ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Ý Đảng lòng dân đã được thể hiện hòa quyện sâu sắc trong bản Hiến pháp. Đó là đảm bảo chính trị-pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, nhân dân ta và nhà nước ta vững bước tiến lên trước những thách thức mới của thời đại; là nhân tố để cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng đưa Hiến pháp vào cuộc sống; là nhân tố để nước ta vững bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển về mọi mặt và chủ động hội nhập quốc tế.

Trước hết, Hiến pháp sửa đổi đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ Xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp sửa đổi, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực nhà nước ta là ở nhân dân, thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Theo đó, Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định mạnh mẽ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.” Ngay từ lời nói đầu đã long trọng tuyên bố nhân dân Việt Nam là chủ thể “xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này,” đến bổ sung đầy đủ các hình thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như trước đây mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò đó do lịch sử giao phó, nhân dân thừa nhận và được Hiến pháp xác nhận. Đồng thời Hiến pháp làm rõ hơn và sâu sắc hơn bản chất tiên phong, bản chất nhân dân của Đảng và bổ sung một yêu cầu rất quan trọng của nhân dân đó là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, được Hiến pháp lần này bổ sung vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động của nhà nước.

Những tư duy chính trị-pháp lý mới này, xuất phát từ nhận thức sâu sắc nguyên lý tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Sức mạnh của nhà nước dựa trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là quy luật, là giá trị quý báu để tiếp tục đưa đất nước ta phát triển cùng với thời đại.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp (chương II). Đó vừa là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban soạn thảo; vừa thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.”

Đây là những nguyên tắc căn bản nhằm đề cao trách nhiệm của nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa sự tùy tiện cắt xén, hạn chế, cho chỗ này, lấy lại ở chỗ khác từ phía các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và công dân bảo vệ và thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình.

Trên cơ sở của các nguyên tắc căn bản này, Hiến pháp đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có bổ sung một số quyền mới một cách chặt chẽ, chính xác, khả thi, phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà nhà nước ta là thành viên.

Với quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, được Hiến pháp lần này thể chế hóa ở trong cùng một chương (chương III). Các quy định trong chương này mang tính khái quát, ổn định về mục tiêu, định hướng và các chính sách cơ bản ở tầm Hiến pháp làm căn cứ pháp lý cao nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường.

Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa từ trước đây cũng như trong tình hình quốc tế mới hiện nay là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Hiến pháp đã khẳng định bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, là nghĩa vụ thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân. Nhà nước có trách nhiệm củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh để không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, góp phần gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Về đối ngoại, Hiến pháp sửa đổi long trọng tuyên bố nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi; tuân thủ hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Hiến pháp sửa đổi khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức; đồng thời bổ sung thêm một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta.

Đó là quyền lực nhà nước là thống nhất không chỉ được phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là một nguyên tắc mới được bổ sung trong Cương lĩnh của Đảng ta và Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa. Nguyên tắc này là cơ sở Hiến định để các cơ quan nhà nước về lập pháp, hành pháp và tư pháp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được nhân dân giao cho mỗi quyền; hạn chế và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền lực nhà nước, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời đây còn là cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước, đảm bảo cho quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.

Dựa trên nền tảng đó, bộ máy nhà nước trong Hiến pháp đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, minh bạch hơn, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có hiệu lực và hiệu quả.

Theo đó, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.

Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Chính phủ được Hiến pháp chỉ rõ không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Việc bổ sung vị trí và vai trò mới này của Chính phủ trong tổ chức bộ máy nhà nước vừa phản ảnh nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước, vừa chỉ rõ Chính phủ không chỉ là cơ quan chấp hành của Quốc hội nhằm tạo cho Chính phủ có đầy đủ vị thế và thẩm quyền độc lập, chịu trách nhiệm độc lập trước đất nước và nhân dân, chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội và cơ chế giám sát, phản biện của nhân dân.

Tòa án Nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Quy định như vậy, là để thể hiện sự phân công quyền lực nhà nước một cách mạch lạc, để đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp; công bằng và công lý của một quốc gia được thể hiện tập trung ở việc thực hiện quyền tư pháp bằng hoạt động xét xử của Tòa án. Viện Kiểm sát Nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời theo định hướng cải cách tư pháp để đảm bảo tính độc lập trong việc thực hiện quyền tư pháp, tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử; Hiến pháp đã bổ sung một số nguyên tắc nền tảng mang tính Hiến định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Để đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Hiến pháp đã quy định một cách khái quát về mô hình chính quyền địa phương làm cơ sở Hiến định để Luật tổ chức chính quyền địa phương sau này cụ thể hóa.

Theo đó “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Luật định.”

Hiến pháp quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước lần đầu tiên được thể chế hóa trong Hiến pháp nước ta với tư cách là các thiết chế Hiến định và được quy định trong một chương riêng của Hiến pháp. Đây là xu hướng lập hiến, pháp quyền hiện đại. Việc ra đời hai thiết chế này trong Hiến pháp nước ta là tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhà nước ta do nhân dân làm chủ, tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong bầu cử và trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đất nước.

Mặc dầu Hiến pháp sửa đổi lần này chưa hình thành thiết chế bảo vệ Hiến pháp chuyên trách để kiểm soát về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp như văn kiện của Đảng đã đề ra. Nhưng Hiến pháp đã nhấn mạnh và có những quy định rõ ràng giao cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp; mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.

Trên cơ sở đó, các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước ban hành sau này sẽ có những quy định cụ thể để hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp, nhằm đảm bảo cho Hiến pháp thực sự trở thành “thần linh pháp quyền” được mọi người, mọi tổ chức, mọi cơ quan tôn trọng và bảo vệ.

So với các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp sửa đổi lần này đã có các quy định cụ thể về hiệu lực và quy trình thủ tục làm và sửa đổi Hiến pháp; thể hiện tính chất dân chủ và pháp quyền của nhà nước ta ngày càng hoàn thiện và phát triển. Theo đó, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Quốc hội được nhân dân giao cho thực hiện một số quyền lập hiến như thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, thảo luận và thông qua Hiến pháp khi có 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; quyết định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Hiến pháp sửa đổi gồm 11 chương 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) với kỹ thuật lập hiến khoa học và có nhiều đổi mới, vừa kế thừa những nhân tố hợp lý của kỹ thuật lập hiến nước ta, nhất là của Hiến pháp năm 1946, vừa kế thừa kỹ thuật lập hiến của nhân loại.

Theo đó các quy định của Hiến pháp có phạm vi điều chỉnh và cách thức thể hiện vừa bao quát vừa đủ cụ thể, vừa khái quát lại vừa đủ chi tiết, vừa nguyên tắc lại vừa đủ độ mềm dẻo để đảm bảo xứng tầm là Hiến pháp, đủ sức chỉ đạo và giữ vị trí cao nhất làm cơ sở, làm nền tảng cho sự ra đời của toàn bộ các quy định pháp luật khác của nhà nước.

Ngày 1/1/2014, ngày có hiệu lực của Hiến pháp sắp tới, Quốc hội đã có Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, trong đó đã quy định Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp; kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo Hiến pháp nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan tổ chức hữu quan khác có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nội dung của Hiến pháp, nâng cao tình cảm và lòng tin về Hiến pháp để hình thành ý thức tự giác tôn trọng và chấp hành Hiến pháp; bảo đảm cho Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, Hiến pháp sửa đổi là đảm bảo chính trị-pháp lý vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng vững bước tiến lên trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước.

Nguồn: TTXVN

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load