Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo luật Hải Quan (sửa đổi) trước Quốc hội (28/10).
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh phát triển. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Hải quan cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hóa hải quan mà trước hết là triển khai rộng rãi, phổ biến thủ tục hải quan điện tử.
Cụ thể, Luật Hải quan hiện hành cơ bản được xây dựng trên cơ sở thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức truyền thống (thủ công) từ khâu tiếp nhận tờ khai, kiểm tra, giám sát đến thông quan hàng hóa. Luật Hải quan có sửa đổi, bổ sung năm 2005 đã bước đầu tạo tiền đề để áp dụng hải quan điện tử, song khi triển khai rộng rãi phát sinh một số bất cập về pháp lý.
Để khắc phục bất cập trên, dự thảo Luật lần này được sửa đổi theo hướng tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, phương thức thực hiện thủ tục hải quan sẽ thay đổi căn bản, từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử.
Tại Điều 29 dự thảo Luật Hải quan về khai hải quan có quy định “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử…”; việc khai trong tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định. Việc kiểm tra hồ sơ hải quan được cơ bản thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc đối với một số trường hợp cụ thể được thực hiện trực tiếp bởi công chức hải quan.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm tính minh bạch, phù hợp với thủ tục hải quan điện tử và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, dự thảo Luật Hải quan bổ sung, sửa đổi các điều từ Điều 46 đến 74 theo hướng áp dụng chung thủ tục cho các loại hình xuất, nhập khẩu có chung bản chất.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa nhập nguyên liệu, vật tư để gia công hoặc sản xuất hàng hoá xuất khẩu; hàng hoá xuất nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất; một số loại hình tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu... Các loại hình này chưa được quy định trong luật hiện hành nhưng thực tế đã được Luật Thương mại và các Luật Thuế quy định.
Về chế độ ưu tiên, Luật Hải quan hiện hành tuy có đề cập đến việc miễn kiểm tra đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan, song chưa tiêu chuẩn hóa điều kiện chế độ ưu tiên đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế, quản trị doanh nghiệp tốt, dự thảo Luật đã quy định rõ chế độ ưu tiên về hải quan đối với doanh nghiệp.
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hải quan, tuy nhiên để có thêm cơ sở cho Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo cần báo cáo cụ thể hơn về các quy định có liên quan tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực hải quan.
Cũng như cần làm rõ khả năng tương thích giữa các quy định trong Luật Hải quan với các hiệp định mà Việt Nam đang đàm phán để gia nhập như: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); các hiệp định nằm trong tiến trình hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015...
Theo Chinhphu.vn
Theo