Thứ sáu 19/04/2024 05:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hiểm họa chực chờ

15:05 | 10/09/2019

(Xây dựng) - Sau vụ cháy tại Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (28/8), người ta mới bừng tỉnh. Bởi bấy lâu nay, chúng ta vẫn để hiện hữu giữa Thủ đô những nhà máy công nghiệp mà nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống luôn thường trực.

hiem hoa chuc cho
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Nhìn ngược thời gian qua, dễ nhận thấy, hàng loạt những bất cập trong quy hoạch phát triển công nghiệp của Thủ đô bị phá vỡ. Đầu tiên là vành đai công nghiệp được tạo lập từ công cuộc dựng xây đất nước những ngày đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sau khi thống nhất đất nước. Và, sau một thời gian phát triển, đây lại chính là các KCN gây ô nhiễm nặng nề cho Thủ đô, cần phải di dời. Nhiều nhà máy công nghiệp trước kia nằm bên rìa Thủ đô, nay đã lọt thỏm giữa trung tâm.

Chính do những bất cập này, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được phê duyệt, vấn đề di dời các các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn 12 quận huyện đã được đặt ra.

Tuy nhiên, công tác này được triển khai hết sức chậm chạp. Đến tháng 9/2018, còn tới 113 cơ sở công nghiệp chưa được di dời. Và sự chậm trễ này ngày càng bộc lộ nhiều nguy hiểm. Vụ cháy năm 2014 tại KCN Vĩnh Tuy vẫn hiển hiện với những thiệt hại của DN và người dân. Và mới nhất, vụ cháy tại Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (28/8) đã và đang để lại nhiều nguy cơ chưa thống kê được.

Kết quả công bố của Bộ TN&MT sau vụ cháy cho thấy, so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR - Mỹ, Canada, trong khoảng từ hàng rào nhà máy đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

Theo phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 33 KCN, khu công nghệ cao. Thế nhưng, sau những điều chỉnh, đến nay, Hà Nội đã có 38 khu, cụm công nghiệp. Sự phát triển nhanh và mạnh này đã góp phần vào gia tăng giá trị tăng trưởng của Thủ đô, song cũng đặt môi trường đô thị của TP vào nhiều thử thách với những nguy cơ tiềm ẩn.

Nguy hiểm hơn, nhìn vào danh mục các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô có thể thấy, bốn bề Hà Nội đều phát triển các KCN. Nghĩa là bất cứ hướng gió nào, vào mùa nào - nội thành Thủ đô cũng phải chịu không khí công nghiệp gây ô nhiễm. Chính những KCN này là thủ phạm gây lên bao hệ lụy về môi trường sống.

Sự tồn tại các nhà máy công nghiệp giữa lòng Thủ đô đang góp phần gia tăng ô nhiễm, tạo ra nhiều hệ luỵ, thậm chí nguy cơ bên bờ của thảm họa môi trường trong đô thị. Biết là thế, nhưng dường như động thái tích cực từ các nhà quản lý vẫn chưa thực sự khiến người dân an lòng.

Cẩm Tú

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load