Tắc đường từng là vấn đề kinh niên tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, nơi đặt trụ sở của Tập đoàn Alibaba.
Hệ thống City Brain giúp làm giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn giao thông tại Hàng Châu - Ảnh: CNN.
Đô thị 7 triệu dân này từng xếp thứ 5 trong số các thành phố tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện thành phố này chỉ xếp thứ 57. Theo Alibaba, điều này là nhờ vào hệ thống City Brain do công ty phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin khắp thành phố, như video từ camera tại các giao lộ, dữ liệu định vị GPS của ôtô và xe bus.
City Brain sau đó phân tích các dữ liệu này theo thời gian thực, đồng thời điều phối hơn 1.000 đèn tín hiệu giao thông khắp thành phố nhằm ngăn chặn và giảm tải tắc nghẽn.
Alibaba cho biết, sau 2 năm thử nghiệm, hệ thống này đã phát huy hiệu quả, rút ngắn thời gian di chuyển, đồng thời giúp các đơn vị phản ứng nhanh như cứu hỏa, cấp cứu, giảm một nửa thời gian đến hiện trường.
Nhiều tài xế tại thành phố này cũng nhận xét tình hình đã được cải thiện. Ye Bojie, lái xe cho hãng Didi Chuxing, cho biết ông từng mất 40 phút để di chuyển quãng đường 3km, nhưng tình hình bây giờ đã "tốt hơn rất nhiều".
"Các thành phố Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn các thành phố khác trên thế giới", Wang Jian, chủ tịch hội đồng chỉ đạo công nghệ của Alibaba, nhận định. Tuy nhiên, với những công nghệ mới như máy học, các cộng đồng đang có trong tay công cụ để giải quyết vấn đề, Jian nói với CNN. "Sau cùng, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào sức mạnh máy tính, giống như chúng ta đang phụ thuộc vào điện vậy".
Nền tảng City Brain của Alibaba cũng đang được sử dụng tại nhiều thành phố khác của Trung Quốc và giới thiệu tại Kuala Lumpur, Malaysia vào năm ngoái.
Tuy nhiên, công nghệ này cũng làm dấy lên những quan ngại về vấn đề riêng tư, đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi hệ thống giám sát ngày càng mở rộng và các camera nhận diện khuôn mặt phủ khắp mọi ngóc ngách.
Theo một khảo sát gần đây của hãng công nghệ Tencent và đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, gần 80% người được hỏi nói rằng họ cảm thấy lo lắng về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới sự riêng tư của mình.
"Chúng tôi phải giải quyết vấn đề riêng tư", ông Wang của Alibaba, nói. "Đó là điều chắc chắn".
Nhưng ông cũng nói rằng, sau cùng lợi ích của các dự án như City Brain vượt qua những quan ngại về nó, đặc biệt là khi cho phép các thành phố hoạt động dựa trên "ít nguồn lực tự nhiên nhất có thể".
Theo Đức Anh/VnEconomy.vn