Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Yên, Sa Pa và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai, mưa lớn tại địa phương trong ngày 12/7 và nhiều ngày trước đó đã khiến hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị hư hại nặng nề.
Sạt lở đất trên Quốc lộ 4D. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)
Nhiều tuyến đường bị sạt lở với khối lượng đất đá hàng nghìn m3 cắt nghẽn mạch giao thông trong nhiều giờ liền.
Cụ thể, tình trạng sạt lở taluy dương diễn ra tại nhiều điểm như km 198+200 (xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương), Quốc lộ 4 bị sạt taluy dương tại km 264+400 thuộc khu vực xã Lùng Sui, Si Ma Cai gây tắc đường ước khối lượng 500m3 gây ách tắc giao thông 1-2 giờ, hiện đã thông xe một chiều tạm thời.
Tỉnh lộ 153 sạt taluy dương tại km 54+600 (xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên) ước khối lượng sạt 2.000m3, vị trí có 2 bên taluy dương, gây ách tắc giao thông.
Theo các cơ quan chức năng, vào lúc 18 giờ chiều 12/7 tại điểm sạt lở này đã có thể thông xe tạm thời.
Ngoài ra, tuyến đường huyện từ Quốc lộ 4D vào xã Tả Phìn bị một điểm sạt taluy dương cách đây 5 ngày, đã khắc phục thông đường, nay tiếp tục sạt lở gây tắc đường ôtô không đi được. Khối lượng khoảng trên 1.800m3. Hệ thống giao thông liên thôn huyện Si Ma Cai bị sạt lở 9 tuyến.
Bên cạnh đó, một số tuyến đường trong thành phố Lào Cai bị ngập cục bộ như đường Nhạc Sơn, Quang Minh, Châu Úy, ngã ba Đại lộ Trần Hưng Đạo giao với đường Lê Văn Thiêm và Quốc lộ 4E đoạn qua thành phố.
Ngoài thiệt hại về công trình giao thông, hơn 20ha lúa và rau màu bị ngập tại xã Cán Hồ và xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai. Trên 70% số lượng mạ tại huyện Bảo Yên đã gieo bị ngập nước, gần 1ha lúa đã cấy bị vùi lấp, vỡ 3 ao nuôi cá (diện tích 1.080m2) tại xã Lương Sơn, Bảo Yên, ước thiệt hại khoảng 1.300kg cá thịt.
Mưa lớn còn làm hư hỏng nhà ở và hoa màu của 5 hộ dân tại các xã Tân Tiến, Yên Sơn, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên; làm sập hoàn toàn 2 phòng học bán kiên cố (diện tích 140m2) thuộc Trường Trung học cơ sở bán trú Thác Xa 1; vùi lấp 15km kênh mương thủy lợi tại bản Nậm Rịa, xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên.
Tám nhà ở của người dân huyện Si Ma Cai bị ảnh hưởng thuộc các xã Sán Chải 1, Nàn Sán 1, Cán Hồ 1, Sia Ma Cai 1, Thào Chư Phìn 2, Mản Thẩn 2
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân khắc phục thiệt hại, di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn, tổ chức hót sạt tại các điểm bị sạt lở nhỏ và các tuyến giao thông liên thôn.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các nhà thầu bảo trì đường bộ hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo tạm thời, hót sạt taluy dương và bùn đất tràn mặt đường tại 2 điểm sạt lở lớn ở xã Lùng Sui huyện Si Ma Cai và xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên, dự kiến cuối ngày 12/7 mới thông đường.
Tuyến đường huyện tại xã Tả Phìn, khối lượng lớn, huyện chưa xử lý khắc phục được.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, mưa có thể vẫn tiến diễn đến ngày 15/7. Do thời gian mưa đã kéo dài, đất đã ngấm no nước, liên kết yếu nên nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt và sạt lở rất cao.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngày 12/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có công điện chỉ đạo quyết liệt thực hiện phương án sơ tán, di chuyển ngay những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt, lở, lũ quét đến nơi an toàn (có biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp không di chuyển); kiểm tra trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tại chỗ nhằm sẵn sàng phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai, gia cố, sửa chữa hệ thống thủy lợi, nạo vét và khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ...
Theo HƯƠNG THU (TTXVN/VIETNAM+)