Chạy trốn khi bị cảnh sát chặn là sai nghiêm trọng, là không biết cách hành xử với người thi hành công vụ. Nhưng việc cảnh sát hăng hái chặn trước đầu xe, nhảy lên capo, bám cần gạt nước xe ô tô cũng không hẳn là đúng.
Thêm một cảnh sát giao thông nhảy lên capo chặn một chiếc xe tải nhưng tài xế bất tuân lệnh, cố tình đánh võng, chạy trốn với tốc độ cao.
Trong khi chạy trốn, chiếc xe tải va phải một xe đi ngược chiều, khiến thượng úy cảnh sát Trương Quốc Đạt ngã xuống, nhưng tài xế vẫn cho xe băng qua. Hậu quả thượng úy Đạt phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị gãy 3 xương sườn, cùng nhiều thương tích khác.
Đây không phải lần đầu tiên cảnh sát chặn xe ô tô bằng cách nằm lên nắp capo.
Ngày 26/1/2014, tại TP Nam Định, chiếc xe khách bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra vi phạm. Tuy nhiên, lái xe không chấp hành và bỏ chạy. Khi thượng úy Đỗ Thanh Cương đuổi theo yêu cầu dừng xe, lái xe đã đâm thẳng vào xe tuần tra, hất thượng úy Cương lên đầu xe phải bám kính chắn gió.
Hồi tháng 3, tại Vĩnh Phúc, bà Thùy, một công chức, điều khiển xe tốc độ 80km/h bị CSGT yêu cầu dừng xe xử lý. Bà Thùy không chấp hành và lái xe hất viên CSGT văng lên nắp capo.
Chạy trốn khi bị cảnh sát chặn là sai nghiêm trọng, là không biết cách hành xử với người thi hành công vụ. Nhưng việc cảnh sát hăng hái chặn trước đầu xe, nhảy lên capo, bám cần gạt nước cũng không hẳn là đúng.
Xem ra việc hăng hái bắt xe ô tô vi phạm lỗi giao thông theo cách này không những không hiệu quả mà còn khiến người dân thêm lo. Không chỉ mỗi người dân quan sát thấy, mà bản thân chính những người làm trong ngành cảnh sát cũng đã lên tiếng can gián. Không thể phủ nhận, hành động đứng chặn trước đầu xe ô tô đang lưu thông trên đường, nhảy lên nắp capo giữ cần gạt nước để đối đầu với lái xe chứng tỏ sự thiếu chuyên nghiệp của người thi hành công vụ, gây nguy hiểm cho chính bản thân người cảnh sát, cho lái xe và cả những người tham gia giao thông khác.
Còn về phía người dân, khi bị cảnh sát chặn lại, thay vì dừng tìm cách trốn chạy manh động cũng cho thấy hành vi chấp hành pháp luật kém, do thiếu hiểu biết hoặc chưa được đào tạo kỹ về cách hành xử đối với người thi hành công vụ. Xem lại, trong bộ 450 câu hỏi dùng cho sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ GT Vận tải tôi không thấy có một câu nào hỏi về “Khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế phải làm gì?”. Thay vào đó có tới gần 30 câu hỏi liên quan đến văn hóa, đạo đức của người lái xe rất chung chung, ngồi sau tay lái rất dễ quên.
Tôi học lái xe bên Mỹ. Ở phần sát hạch họ dạy kỹ về cách hành xử với người thi hành công vụ. Nếu bị xe cảnh sát hụ còi, người lái xe phải tạt vào lề bên phải, chuyển về số mo (không), bật tín hiệu cấp cứu thông báo xe đang dừng để đảm bảo an toàn cho các xe khác đang lưu thông. Dây an toàn vẫn được cài để chứng tỏ không có ý định chạy trốn. Tài xế đặt hai tay lên vô lăng chứng tỏ không có vũ khí. Hành khách ngồi trong xe cũng phải để hai tay lên thành ghế phía trước để viên cảnh sát biết không ai có hành động chống đối mờ ám.
Cảnh sát đến từ phía sau của xe, gõ vào cửa kính, khi đó tài xế mới được kéo kính xuống. Nếu được yêu cầu giấy tờ, tài xế phải nói đại ý “tôi lấy bằng lái xe, giấy đăng ký đây…”. Đại loại không được tỏ ra một hành động nào chứng tỏ chống lại cảnh sát.
Về phía cảnh sát, khi xe vào chế độ bật đèn nhấp nháy, camera an ninh sẽ được bật ghi lại tất cả các động thái của xe có nghi ngờ vi phạm và của cả nhân viên cảnh sát. Băng ghi hình là một chứng cứ quan trọng nếu phải ra trước tòa. Nếu cảnh sát bắt lỗi sai, tài xế có thể kiện lại chính quyền.
Cảnh sát chỉ có quyền đưa phiếu phạt, phạt bao nhiêu hay phán xét lái xe có vi phạm hình sự hay không là quyền của tòa án. Chính toà án là nơi buộc người bị phạt tâm phục khẩu phục, kể cả việc buộc họ phải học luật tốt hơn khi thấy túi tiền bị rỗng đi do phải nghiêm túc nộp phạt.
Mới đây, khi đi dạo trên đường Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội tôi thấy cảnh sát dừng xe máy mà chủ nhân không đội mũ bảo hiểm. Anh công an nói đại ý: “biết lỗi là gì không, tại sao không học thuộc bài…”. Còn người vi phạm thì cố vật nài, xin thông cảm. Đây là cảnh thường gặp tại bất kỳ cung đường nào ở Việt Nam. Và, nhìn qua cũng có thể đoán ra người vi phạm đã không học được bài và người thực thi công lực cũng không gửi được thông điệp cứng rắn tới người vi phạm.
Bởi lẽ, chỉ khi nào thượng tôn pháp luật thì mới có thể giúp các viên cảnh sát không phải chạy bộ đuổi theo, phải nhảy lên nắp capo, phải bám cần gạt nước. Và chỉ có sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì mới có thể hạn chế được những người tham gia giao thông lao vào người thi hành công vụ.
Theo Vietnamnet.vn
Theo