Vượt qua nhiều gian nan, nhân dân tỉnh Gia Lai đã đón được tượng Bác Hồ và đặt giữa trung tâm thành phố. Trong niềm hân hoan, người dân đã góp cây, đá bazan để làm một quảng trường uy nghi, tráng lệ.
Công trình kết tinh từ sự đoàn kết
Tại sự kiện Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại TP Pleiku năm 1946, tỉnh Gia Lai đã vinh dự được đón nhận thư của Bác Hồ. Nội dung bức thư như một bài “hịch” hiệu triệu các dân tộc miền Nam cùng đoàn kết, đứng lên đấu tranh giải phóng Tây Nguyên. Từ sự kiện này, UBND tỉnh Gia Lai đã thống nhất phải xây dựng một công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đặt tại TP Pleiku (Gia Lai).
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku, Gia Lai) nơi đặt tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất Việt Nam |
Trên tinh thần đó, vào ngày 30/06/2008. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã có tờ trình gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng xin chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai.
Ngày 02/08/2008 Bộ Chính trị đã đồng ý cho tỉnh Gia Lai xây dựng “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”.
Không gian rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh nên quảng trường Đại Đoàn Kết luôn là vị trí để tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh Gia Lai |
Sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và các chuyên gia đầu ngành về mỹ thuật và kiến trúc của Việt Nam lên các phương án phác thảo mẫu tượng, chọn vị trí và quy hoạch không gian kiến trúc xây dựng tượng đài.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên |
Ông Phạm Thế Dũng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) cho biết: “Việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là sự mong mỏi tha thiết của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai. Chính vì vậy, từ bắt đầu đến hoàn thành chúng tôi đã cố gắng làm hết sức mình. Quá trình lên ý tưởng để làm tượng Bác Hồ và bức phù điêu đều được thông qua nhiều bộ, ban, ngành, hội đồng nghệ thuật và đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng”.
54 trụ đá dài tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên mọi miền Việt Nam |
“Đến mỗi công đoạn đều có sự góp ý, đánh giá của cơ quan chức năng. Để hoàn thành khuôn viên quảng trường, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã cùng góp sức, trí tuệ, cây xanh, đá bazan… Chính việc này đã nói lên tinh thần đoàn kết của nhân dân tỉnh Gia Lai. Nhiều người nói rằng việc xây tượng công trình quy mô lớn như thế này là điều rất khó, nhất là đối tỉnh vùng núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Chính vì điều này là động lực để chúng tôi phải thực hiện công trình một cách chu đáo, cẩn thận, khẩn trương, huy động sức của toàn nhân dân nhằm hoàn thành đúng tiến độ”, ông Phạm Thế Dũng cho biết thêm.
Dàn cồng chiêng bằng đồng lớn nhất được đặt tại quảng trường Đại Đoàn Kết |
Tượng Bác Hồ được làm bằng tấm đồng đỏ theo công nghệ tạo hình và hàn. Đây là công nghệ mới, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Tượng Bác Hồ cao 10,8m, trọng lượng 16 tấn, bệ cao 4,5m.
Được biết, quá trình làm tượng Bác Hồ rất công phu, trải qua nhiều giai đoạn như làm bằng đất sét rồi qua thạch cao, composite và sau cùng mới chuyển sang bằng đồng.
Đối với bức phù điêu có chiều cao 11m, rộng 58m và diện tích khoảng 600m2, làm bằng đá tự nhiên ở Thanh Hóa. Hình ảnh trên bức phù điêu là không gian sinh hoạt văn hóa, lễ hội và quá trình chiến đấu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Bức Thạch Thư khắc thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam trong năm 1946, nặng 102 tấn |
Ngoài ra, tại quảng trường Đại Đoàn Kết còn có trụ đá Đại Đoàn Kết được tạo thành từ 54 trụ đá ghép thành 1 núi lớn, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam. Đối diện là bức Thạch Thư dùng để khắc thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam trong năm 1946, nặng 102 tấn. Hồ sen rộng khoảng 300m2, được lấy 60 tấn bùn khô từ Hồ Tây (Hồ Nội) về. Khu thờ Bác được đặt trong khuôn viên quảng trường Đại Đoàn Kết…
Đặc biệt, phía hai bên hành lang là dàn cồng chiêng bằng đồng “khổng lồ” được đúc bởi các nghệ nhân làng Ngũ Xá (Hà Nội). Dàn chiêng gồm 11 cái với 5 chiêng núm và 6 chiêng bằng. Chiêng lớn nhất nặng 700kg và nhỏ nhất nặng 150kg. Đây cũng là bộ cồng chiêng được Trung tâm sách lập kỷ lục Việt Nam công nhận là: “Dàn cồng chiêng Tây Nguyên bằng đồng lớn nhất”.
Niềm tự hào của nhân dân Gia Lai
Công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai được khởi công ngày 03/10/2010 và khánh thành ngày 09/12/2012. Đây cũng là công trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là một trong 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch nổi bật trong năm 2012.
Các đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai vui mừng đón những sự kiện lớn bên tượng đài Bác Hồ. |
Nhớ lại những ngày thi công tượng Bác Hồ, ông Lê Văn Tẩn (Phó ban quản lý xây dựng các công trình, trước đây là chuyên viên BQL Xây dựng tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên) nói: “Công trình tượng đài về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 – 2020 là một công trình mới vì vậy các khâu chuẩn bị về thủ tục và hồ sơ, thiết kế… đều gặp rất nhiều khó khăn, chỉnh lý qua mỗi giai đoạn thực hiện. Vì kích thước tượng lớn nên quá trình vận chuyển và dựng tượng cũng rất gian nan, nhất là đối với địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng công trình văn hoá có quy mô hoành tráng”.
“Mỗi buổi chiều, tôi thường cùng gia đình ra quảng trường Đại Đoàn Kết để tập thể dục, vui chơi, dạo bộ... Hướng mắt về tượng Bác Hồ, tôi lại kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện và hành trình gian nan để có một quảng trường uy nghi, tráng lệ như ngày hôm nay. Nơi đây không khí trong lành, tiếng chim ríu rít mỗi chiều về khiến lòng người trở nên thư thái, xóa tan những công việc, xô bồ hàng ngày”, ông Tẩn bộc bạch.
Quảng trường Đại Đoàn Kết được xây dựng giữa trung tâm TP Pleiku nên thuận lợi cho việc người dân trong vùng về đây tụ họp, vui chơi. Với khuôn viên vô cùng lớn, ngập tràn cây xanh, nơi đây đã trở thành địa điểm tổ chức rất nhiều hoạt động lớn của địa phương, là điểm đến yêu thích của người dân nơi đây. |
Sắc xanh tươi mới ở quảng trường Đại Đoàn Kết |
Chị Bùi Thị Thanh (trú phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) bộc bạch: “Mỗi chiều tôi thường tranh thủ ra quảng trường để thể dục, vui chơi cùng gia đình và các con. Ở đây nhiều cây xanh, không khí trong lành, con người thân thiện, văn minh nên mọi buồn phiền trong cuộc sống cũng tan biến. Tôi mong muốn, quảng trường sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, không gian văn hóa để phục vụ cho người dân trong và ngoài tỉnh”.
Theo Phạm Hoàng/Dantri.com.vn