(Xây dựng) - Lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) có truyền thống lâu đời từ xưa. Với các đòn đánh “hổ lao”, “móc mắt”, “ngáng chân”, “khóa sừng”,… các ông Cầu (trâu chọi) đã cống hiến cho khán giả những trận đấu đẹp mắt tại hội chọi trâu Hải Lựu.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2016 diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/2/2016 (tức ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch) với sự tham gia của 32 trâu chọi từ các làng, cá nhân, tổ chức đoàn, hội trên địa bàn xã.
Hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội truyền thống có từ lâu đời. Tương truyền, lễ hội có từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, khi triều đình Nam Việt của Triệu Đà thất thủ trước cuộc xâm lăng của quân Hán, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân.
Ở Hải Lựu trâu chọi được gọi là “ông Cầu”. Các “ông Cầu” được các xóm, thôn, làng hay các tổ chức, đoàn thể nuôi dưỡng, huấn luyện. Để có các “ông Cầu” tốt, hàng năm các thôn, làng cử người đi các tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái,.. để tìm trâu tốt và huấn luyện theo phương pháp đặc biệt. Để được tham gia lễ hội, các chủ trâu phải làm lễ tấu trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia lễ hội.
Hàng năm cứ vào 16 – 17 tháng Giêng, người dân Hải Lựu lại tưng bừng tổ chức Lễ hội chọi trâu để tưởng nhớ công ơn của thừa tướng Lữ Gia và cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, sản xuất, buôn bán thuận lợi. Sau khi kết thúc lễ hội các “ông Cầu” đều được giết thịt để cúng tế trời đất. Theo quan niệm dân gian làng nào có “ông Cầu” thắng cuộc thì năm đó làng gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ hội:
Văn Nhất
Theo