(Xây dựng) - Hàng không và du lịch từng được Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trần Chiến Thắng ví von như hai cánh của một con chim, một trong hai cánh bị tổn thương thì không thể bay cao. Ngược lại, nếu đôi cánh này phối hợp nhịp nhàng thì lợi ích mang lại khó có thể đong đếm.
Tính trung bình, khách nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm khoảng 80% tổng lượng khách quốc tế nói chung. Riêng trong năm 2017, nhóm khách này đạt 10,9 triệu lượt người trong tổng số 12,9 triệu khách, tăng đến hơn 32% so với 2016.
Không chỉ khách quốc tế, khách nội địa du lịch bằng đường hàng không cũng là một con số đáng chú ý. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, du lịch nước ngoài từ Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm trong vòng vài năm trở lại đây, với 7,5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong 2017. Một tỷ lệ lớn trong số này đã lựa chọn hàng không là phương thức di chuyển duy nhất.
Nhu cầu du lịch tăng cao khiến mối quan hệ giữa các hãng hàng không và các đơn vị khai thác du lịch đang trở nên mật thiết hơn bao giờ hết.
Thúc đẩy hợp tác
Trong khi các hãng quốc tế tích cực đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam và tăng cường hợp tác mở đường bay tới các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm hàng không nội địa cũng đưa ra nhiều giải pháp như đa dạng hóa đường bay, tần suất bay, ưu đãi giá vé, linh hoạt tỉ lệ đặt chỗ và thu xếp các khung giờ hợp lý cho các hãng lữ hành…
Đa phần các chương trình xúc tiến du lịch đều có sự tham gia của các hãng hàng không như một đối tác quan trọng và ngược lại.
Tuy nhiên, với phần lớn các thương hiệu hàng không, các dịch vụ liên quan đến du lịch phần lớn vẫn dừng lại ở các giá trị gia tăng đơn giản chứ ít khi được xác định là một “mắt xích” quan trọng trong chiến lược hoạt động chung.
Điều này có thể sẽ thay đổi khi Bamboo Airways, thương hiệu hàng không mới của Tập đoàn FLC gia nhập thị trường.
Bamboo Airways
Có thể nhận thấy khá rõ trong các thông tin được công bố gần đây của Bamboo Airways, nhiều giá trị cốt lõi mà thương hiệu này dành cho khách hàng của mình đều có sự tương quan không nhỏ đến du lịch.
Với đường bay quốc tế, trọng tâm khai thác trong tương lai gần của hãng là những lựa chọn du lịch phổ biến nhất của người dân Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Philippines… Còn các đường bay nội địa thì dành ưu tiên tuyệt đối cho những thị trường du lịch mới nổi trong nước như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Quốc…
“Mối quan tâm của chúng tôi là làm sao du khách quốc tế cũng như du khách nội địa có thể bay thẳng đến những điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, mà không cần phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết. Từ đó tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển, gia tăng tỷ lệ quyết định đặt tour của nhóm này”, ông Nguyễn Ngọc Trọng – Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways giải thích về định hướng bay khác biệt của hãng.
Lợi ích đa chiều
Tuy nhiên, lợi ích về điểm đến không phải giá trị duy nhất mà thương hiệu hàng không mới này muốn mang tới cho khách hàng.
Hiện nay, nhiều cơ sở lưu trú cao cấp đang tăng cường kết hợp với các hãng hàng không nhằm đem tới cho khách du lịch những combo trọn gói và thuận tiện nhất, đồng thời chi phí giảm thấp hơn so với mức giá khi hành khách mua dịch vụ đơn lẻ. Chính sách này sẽ được tận dụng triệt để tại Bamboo Airways nhờ mối liên kết mật thiết với hệ thống quần thể nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn FLC.
Cụ thể, khách hàng có thể tiết kiệm đến 50% chi phí, chưa kể hàng loạt ưu đãi lớn khác nếu sử dụng đồng thời dịch vụ của cả Bamboo Airways và FLC Hotel & Resort, vốn nổi tiếng với những sân golf tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống khách sạn 5 sao cao cấp trải dài trên khắp đất nước.
Với hai vấn đề chính đã được giải quyết trọn gói là vé máy bay và khách sạn, du khách có thể tận hưởng những kỳ nghỉ chất lượng cao với chi phí tối ưu mà không phải lo lắng về kế hoạch, lịch trình…
Quần thể FLC Quy Nhơn
Theo thông tin mới nhất từ Bamboo Airways, quá trình chuẩn bị cất cánh của hãng vào cuối năm 2018 đang gấp rút đi vào hoàn thiện, với sự kiện tâm điểm gần đây là Lễ ký kết hợp đồng thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Airbus dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy.
Bamboo Airways cũng đang làm việc với các đơn vị chuyên về vé điện tử hàng đầu thế giới như Amadeus, Sabre, Navitare để lựa chọn nhà cung cấp phù hợp nhất cho chiến lược hoạt động của mình.
“Việt Nam đang nằm trong Top các nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới. Nhưng du lịch muốn phát triển mạnh mẽ cần có sự đồng hành của hàng không cùng những chính sách đặc biệt dành cho khách hàng phân khúc này.
Một trong những mục tiêu lớn của Bamboo Airways là tối ưu những trải nghiệm của du khách thông qua chính sách chi phí linh hoạt và tiện ích đa dạng, trong đó hệ thống tiện ích về du lịch sẽ được chúng tôi đặc biệt được chú trọng ”, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways nhấn mạnh.
Đợt tuyển dụng quy mô đầu tiên của Bamboo Airways sẽ diễn ra ngay trong tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ cao cấp đến các chuyên viên hệ thống vận hành: an ninh, kỹ thuật, dịch vụ, khai thác, bảo dưỡng, thương mại, phi công, tiếp viên… Các ứng viên trúng tuyển sẽ được tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, hoàn thiện nghiệp vụ chuyên môn. Sau khi hoàn thành các khoá huấn luyện này, ứng viên sẽ được bố trí việc làm tại Bamboo Airways với mức thu nhập đặc biệt cạnh tranh, cùng cơ hội di chuyển đến nhiều nước trên thế giới và nhiều quyền lợi hấp dẫn khác. |
Vân Phương
Theo