Dự án nâng cấp quy hoạch chung thành phố Huế có tổng mức đầu tư hơn 3,75 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là 3,5 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ảnh: VGP/Thế Dương
Ngày 27/4, tại thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cấp quy hoạch chung thành phố Huế”.
Mục đích của dự án là rà soát lại thực trạng quy hoạch thành phố Huế hiện tại. Đồng thời, đánh giá khu vực dự kiến mở rộng và phân tích định hướng phát triển của thành phố Huế trong tương lai; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, đối với dự án nâng cấp quy hoạch chung thành phố Huế, điều quan trọng nhất là làm thế nào để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Quy hoạch cũng phải phù hợp với quy hoạch vùng tỉnh Thừa Thiên-Huế và định hướng mở rộng thành phố.
Ngoài ra, quá trình nghiên cứu nâng cấp quy hoạch phải chú trọng khai thác yếu tố cảnh quan của Huế, đặc biệt là sông Hương, vùng núi đồi phía Tây và hệ đầm phá Tam Giang.
Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã đánh giá cao giá trị đặc thù, đặc sắc của cố đố Huế. Việc quy hoạch chung thành phố Huế sẽ được cân nhắc, lựa chọn phù hợp dựa trên sự so sánh các mô hình quy hoạch tiên tiến trên thế giới, trong đó có quy hoạch thành phố Gyeongju (Hàn Quốc), là một đô thị cổ có nhiều nét tương đồng với Huế.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, quá trình nghiên cứu các phương án, định hướng điều chỉnh, nâng cấp cho quy hoạch chung thành phố Huế cần xác định đây là đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là cơ sở thuận lơi để xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.
PV
Theo baoxaydung.com.vn