Thứ sáu 13/09/2024 10:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Hạn chế thất thoát vốn nhà nước trong các công trình xây dựng

08:33 | 01/04/2014

(Xây dựng) - Ngày 31/3, tại TP HCM, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì hội nghị.


Dự thảo Luật đã quy định, đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật…

Theo Bộ Xây dựng, Luật Xây dựng ban hành năm 2003 đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải nhanh chóng sửa đổi. Cụ thể như luật quy định phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động xây dựng nhưng toàn bộ nội dung Luật lại phản ánh quá trình đầu tư xây dựng công trình từ khâu lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Như vậy, giữa phạm vi điều chỉnh và nội dung các quy định của Luật chưa bảo đảm tính thống nhất. Xem xét, sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và các quy định của luật là một điều bức thiết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất với những sửa đổi của Luật Xây dựng, như đổi mới phương thức quản lý và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhằm tránh tình trạng thất thoát, đội vốn khi công trình thi công kéo dài; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động xây dựng.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, tình trạng công trình xây dựng kéo dài gây đội vốn nhà nước đã tồn tại nhiều trong thời gian qua. Nhưng theo quy định hiện nay, người quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở khi thẩm định dự án và chỉ lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên nghành khi cần thiết.

Điều này dẫn đến tình trạng thiết kế cơ sở của dự án sử dụng vốn nhà nước không được cơ quan quản lý nhà nước chuyên nghành kiểm soát ngay từ đầu về quy mô đầu tư, mức độ đáp ứng an toàn, bảo đảm môi trường… dẫn đến hệ lụy trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện, phát sinh chi phí, gây tốn kém, làm giảm hiệu quả của dự án và chất lượng công trình.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Dự thảo Luật đã quy định, đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật; dự án sử dụng vốn từ các nguồn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình tác động đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng.

Đó là chưa kể, hiện nay, đa số các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều lựa chọn áp dụng mô hình tổ chức ban quản lý dự án để trực tiếp quản lý từng dự án đầu tư đơn lẻ. Cách làm này dẫn đến tình trạng gia tăng về số lượng ban quản lý dự án nhưng hạn chế về năng lực và tính chuyên nghiệp.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung quy định hình thức ban quản lý chuyên nghiệp trong công tác quản lý dự án, cho phép tinh giản bộ máy, biên chế của cơ quan quản lý dự án hiện có, qua đó trực tiếp góp phần khắc phục tình trạng tăng chi phí quản lý dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả như hiện nay.

Hình thức ban quản lý đầu tư dự án chuyên nghiệp sẽ được áp dụng với các dự án sử dụng vốn ngân sách, các dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Góp ý cho dự thảo, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc sở Xây dựng TP HCM cho rằng, nên thống nhất quản lý nhà nước về trật tư xây dựng thông qua việc cấp phép xây dựng bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp phép.

Các đối tượng được miễn giấy phép xây dựng cần được mở rộng và minh bạch hơn, thủ tục cấp phép cho các loại và quy mô công trình khác nhau, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong việc cấp phép nhưng vẫn bảo đảm quản lý xây dựng tốt hơn, trách nhiệm hơn với người dân.

Theo Nhandan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load