Đó là khẳng định của ông Lương Minh Phúc – Trưởng ban, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Giao thông – Đô thị TPHCM cho biết kết quả bước đầu sau khi sữa chữa một số vết thấm xuất hiện trên nóc hầm vượt sông Sài Gòn ( hầmThủ Thiêm) hồi tháng 8 vừa qua.
Theo phương án sửa chữa thấm đường hầm sông Sài Gòn do nhà thầu Obayashi đề xuất và được Tư vấn giám sát OC chấp thuận, công tác sửa chữa thấm đường hầm sông Sài Gòn giai đoạn sau thông xe dự kiến sẽ gồm 03 đợt, mỗi đợt cách nhau 01 tháng để quan trắc, đánh giá hiệu quả và chuẩn bị triển khai bước tiếp theo. Thực hiện kế hoạch này, đợt sửa chữa từ 23/07/2012đến 21/09/2012với kết quả quan trắc cho thấy số lượng các vị trí thấm và mức độ thấm sau sửa chữa đã giảm đi rõ rệt, hiện chỉ còn một số vị trí thấm ở mức độ nhẹ (dạng vết ẩm). Tư vấn giám sát OC đã yêu cầu nhà thầu Obayashi tiến hành đợt sửa chữa bổ sung trong khoảng thời gian từ 02/11/2012đến 02/12/2012để xử lý các vị trí thấm còn lại. Sau khi hoàn tất đợt sửa chữa, công tác quan trắc sẽ tiếp tục triển khai để đánh giá kết quả và báo cáo Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
Do công tác sửa chữa thấm của nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai sau ngày 20/11/2012 (một năm sau ngày thông xe đưa vào sử dụng đường hầm sông Sài Gòn), Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Giao thông – Đô thị TPHCM đã yêu cầu Tư vấn Giám sát căn cứ theo điều kiện hợp đồng và tình hình thực tế, đề xuất thời gian kéo dài trách nhiệm bảo hành của nhà thầu sau ngày 20/11/2012 và yêu cầu nhà thầu tập trung xử lý triệt để tình trạng thấm theo điều kiện hợp đồng và hướng dẫn của Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
“Tuy nhiên, để đảm bảo một đánh giá toàn diện, khách quan, độc lập về vấn đề này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Giao thông – Đô thị TPHCM đang tiến hành thủ tục chọn một đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá tuổi thọ đường hầm sông Sài Gòn sau quá trình sửa chữa thấm vừa qua, làm cơ sở cho việc triển khai các công tác tiếp theo và báo cáo Hội đồng nghiệm thu nhà nước” ông Phúc nói.
Hầm vượt sông Sài Gòn là hầm dìm vượt sông duy nhất tại Việt Nam - một hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TPHCM. Công trình có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á, dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra, hầm còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên, tốc độ thiết kế đạt 60km/h. Tổng vốn đầu tư của hạng mục này trên 2000 tỷ đồng.
Cao Cường
Theo baoxaydung.com.vn