Thứ năm 28/03/2024 23:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hải Phòng phát triển thành phố cảng xanh, đa trung tâm

09:35 | 22/01/2021

(Xây dựng) – Vừa qua, tại trụ sở Bộ Xây dựng (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị thẩm định Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

hai phong phat trien thanh pho cang xanh da trung tam
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch lạc hậu trước nhu cầu đầu tư lớn

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia và Aecom Singapore PTE.LTD là đơn vị tư vấn.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn cho biết: Trước đó, ngày 16/9/2009, tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (QHC 1448).

Sau 12 năm thực hiện quy hoạch chung 1448, Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt 14 -15%, lớn hơn hai lần so bình quân cả nước.

Với khung hạ tầng liên vùng phát triển đột phá, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng xanh, văn minh, hiện đại…, Hải Phòng khẳng định được vai trò là thành phố đầu tàu kinh tế, là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa chính ra biển Đông của khu vực Bắc bộ, kết nối với quốc tế…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hải Phòng vẫn còn một số tồn tại như chưa hoàn thành một số tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương; Kế hoạch triển khai các Khu đô thị mới và hạ tầng đô thị còn chậm. Một số khu vực không thực hiện được theo quy hoạch chung 1448.

Đáng nói hơn nữa, nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư, vận hành khai thác tạo nên động lực phát triển thành phố nhưng chưa có trong quy hoạch chung 1448 như đường cao tốc nối Hải Phòng - Hạ Long; hệ thống cáp treo ra đảo Cát Bà, các Khu đô thị dịch vụ tại Đô Sơn, Cát Bà, Núi Voi, trung tâm nghề cá lớn Lập Lễ, Khu công nghiệp Tràng Duệ (giai đoạn 3)...

Nhu cầu thu hút đầu tư vào Hải Phòng rất lớn nhưng nhiều đồ án quy hoạch ngành của Trung ương và địa phương trên địa bàn không còn phù hợp. Dự báo thấp so với thực tiễn phát triển…

Đặc biệt, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghệ hóa, hiện đại hóa; Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; Tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.

Các thực tế nói trên đặt ra yêu cầu phải điểu chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng, làm căn cứ để xây dựng các công cụ quản lý đô thị và là nền pháp lý triển khai các dự án đầu tư xây dựng…

Xây dựng không gian thành phố cảng xanh, thông minh, bền vững

Theo đơn vị tư vấn, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung lần này có phạm vi nghiên cứu là toàn bộ diện tích thành phố Hải Phòng, diện tích tự nhiên 1.561,76km2, với hơn 2 triệu dân.

hai phong phat trien thanh pho cang xanh da trung tam
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.

Về tính chất, Hải Phòng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Về mục tiêu tổng quát, quy hoạch chung xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước, có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững…

Thành phố có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 2,7- 2,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74 - 76%; đến năm 2035, dân số khoảng 3,8- 4,5 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa 84 - 86%; đến năm 2050, dân số khoảng 5 -5,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90 – 92%.

Về đất đai đô thị, dự báo, đến năm 2025, đất xây dựng đô thị khoảng 56.000-58.000ha, chỉ tiêu khoảng 250 - 270m2/người; Giai đoạn đến năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 70.000-75.000ha, chỉ tiêu khoảng 220 - 230m2/người; giai đoạn sau năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 80.000 – 100.000ha.

Hình thành đô thị đa trung tâm

Về định hướng tổ chức phát triển không gian, Hải Phòng kế thừa và phát triển mô hình "Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh" thành mô hình "Đô thị đa trung tâm", gồm 2 vành đai kinh tế, 3 hành lang cảnh quan, 3 đô thị trọng điểm và các đô thị mới.

hai phong phat trien thanh pho cang xanh da trung tam
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề xuất một số kiến nghị.

2 vành đai kinh tế gồm vành đai kinh tế công nghiệp từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc Quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) nhằm khai thác quỹ đất phát triển công nghiệp, kết nối mạng lưới khu, Cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng với cảng Lạch Huyện và vành đai kinh tế ven biển thúc đẩy phát triển đô thị hướng ra “vịnh Hải Phòng” kết hợp bảo vệ mối trường biển.

3 hành lang cảnh quan gồm hành lang đô thị dọc hai bên bờ sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc. Ở giữa dải đô thị là không gian mở xanh tạo nên môi trường sống tốt nhất và tăng khả năng tiếp cận giữa khu ở với khu sản xuất.

3 cụm đô thị trọng điểm gồm cụm đô thị Trung tâm đô thị lịch (thuộc quận Ngô Quyền, Hồng Bảng, Lê Chân) và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Cụm đô thị hàng hải tại Dương Kinh và Hải An, là trung tâm thương mại, tài chính; Cụm đô thị sân bay Tiên Lãng. 3 cụm đô thị trọng điểm được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông nhanh trên vành đai kinh tế ven biển…

Định hướng về phát triển hạ tầng kinh tế, Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột là cảng biển, công nghiệp, thương mại dịch vụ - du lịch.

Trong đó, đối với cảng biển, đồ án quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông dịch vụ, logistics khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.

Đối với công nghiệp, quy hoạch ngành công nghiệp thành phố theo định hướng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Quy mô đất khu Cụm công nghiệp, kho tàng đến năm 2025 khoảng 13.000 - 13.500ha; năm 2035 khoảng 18.000 - 20.000ha; năm 2050 khoảng 23.000ha.

Đối với du lịch, dịch vụ, thương mại, đồ án quy hoạch phát triển du lịch thành phố trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế, trọng điểm là khu vực Cát Bà, Đồ Sơn và du lịch lịch sử văn hóa trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm tài chính, thương mại, giao dịch ngoại thương, xúc tiến thị trường và vận động đầu tư lớn của vùng Bắc Bộ, cả nước; trung tâm giao dịch thông tin, bưu chính viễn thông và hội nghị…

Về quy hoạch giao thông, Hải Phòng kế thừa quy hoạch trước đó, đồng thời hoàn thiện hệ thống bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng đóng vai trò trụ cột quan trọng nhất. Hệ thống giao thông này được tích hợp để bảo đảm tính thông suốt và tiện lợi cho người dân, du khách và các hoạt động kinh tế.

Trong giao thông đối ngoại, đồ án quy hoạch mới tuyến đường bộ quy mô đường cao tốc 4-6 làn xe, nối khu vực cảng Đình Vũ, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với Quốc lộ 18 và đường cao Nội Bài – Hạ Long; cầu và đường Tân Vũ – Lạch Huyện 2 và 3, cầu Bến Rừng, cầu Nghìn mới…

Tiếp tục tăng mạnh diện tích đất phát triển công nghiệp

Tại Hội nghị, các thành viên hội đồng đã đóng góp ý kiến hoàn thiện đồ án. Theo đó, đồ án đã tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu.

Cơ sở pháp lý đầy đủ. Thành ủy và UBND thành phố Hải Phòng đã thực hiện đầy đủ, bài bản việc xin ý kiến các bộ, ngành, hội nghề nghiệp và các chuyên gia cũng như giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với đồ án.

Một số ý kiến cho rằng, đồ án cần đánh giá kỹ hơn hiện trạng thực hiện quy hoạch chung 1448; đưa ra các dự báo phải có căn cứ khoa học; chỉ tiêu không gian xanh, mặt nước, không gian công cộng, hạ tầng giao thông còn thấp. Quy hoạch giao thông liên kết vùng chưa đủ mạnh so với dự báo phát triển trong tương lai của Hải Phòng.

hai phong phat trien thanh pho cang xanh da trung tam
Cấu trúc không gian đô thị đa trung tâm của thành phố Hải Phòng.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết sẽ chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với tư vấn tiếp thu và hoàn thiện đồ án.

Lý giải về việc tăng quy mô công nghiệp trong đồ án, ông Tùng cho biết: Nghị quyết 45-NQ/TW đã xác định ưu tiên hàng đầu của thành phố Hải Phòng là phát triển công nghệ hiện đại , thông minh,bền vững tầm cỡ khu vực. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, nhiều tập đoàn, đối tác trong và ngoài nước đang muốn đầu tư vào Hải Phòng nhưng chưa có đủ các Khu công nghiệp. Việc phát triển mở rộng các Khu công nghiệp sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển, đầu tư vào Hải Phòng.

Về lĩnh vực dịch vụ, ông Tùng khẳng định, Hải Phòng ưu tiên phát triển logistics, hệ thống cảng công nghiệp tầm quốc tế, quốc gia.

Trong lĩnh vực giao thông, tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên hội đồng thẩm định, Hải Phòng sẽ quan tâm tăng cường phát triển giao thông kết nối vùng, giao thông ngầm nhằm đáp úng nhu cầu phát triển công nghiệp mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.

hai phong phat trien thanh pho cang xanh da trung tam
Đường World Bank kết nối hai trục Đông – Tây của thành phố Hải Phòng (Ảnh: Hồng Phong).

Trước đó, ông Tùng cho biết, Hải Phòng luôn chủ động phát triển giao thông liên kết vùng nhằm phục vụ phát triển không gian kinh tế - xã hội thành phố. Hải Phòng luôn chủ động phát triển các tỉnh lộ, kết nối với từng địa phương lân cận như Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh bằng các cây cầu. Kinh phí xây dựng cầu do Hải Phòng đầu tư.

Chủ tịch cho biết, Hải Phòng đang chú trọng phát triển Nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, hệ thống giao thông nông thôn tiếp cận với tiêu chuẩn giao thông đô thị.

Về quy hoạch đất lúa, Chủ tịch đề xuất không nên khống chế diện tích đất lúa đối với địa phương phát triển công nghiệp mạnh mẽ như Hải Phòng. Bởi thành phố có khoảng 40.000ha đất lúa nhưng trên thực tế, người dân hoặc vì đi mải làm trong các Khu công nghiệp bỏ hoang đất, hoặc chuyển đổi thành đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy hải sản.

Nhân Hội nghị lần này, ông Tùng gửi đến Văn phòng Chính phủ 2 đề xuất, thứ nhất là cho phép điều chỉnh cục bộ khu vực Cát Bà để phát triển một số cơ sở dịch vụ và du lịch.

Thứ hai: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung lần này, cho phép thành phố được triển khai các quy hoạch phân khu và triển khai các dự án trong ranh giới KKT Đình Vũ – Cát Hải phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt.

Kết luật Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá cao sự sát sao của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng trong việc chỉ đạo nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chung.

Bộ trưởng ghi nhận: Đồ án đồ sộ, được nghiên cứu công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng, có tính khoa học, tính thực tiễn cao. Trong quá trình nghiên cứu, tư vấn có tiếp cận một số xu hướng phát triển đô thị mới như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng mô hình phát triển đô thị và các phương án tổ chức phát triển không gian của đồ án chưa thể hiện rõ, nhuần nhuyễn, hài hòa ở một số yếu tố cũ và mới, giữa hiện tại và tương lai. Đồ án thể hiện chưa rõ nét giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Ngoài việc bổ sung, hoàn thiện các nội dung nói trên, Bộ trưởng cũng đề nghị tư vấn cập nhật nhiệm vụ quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm các căn cứ pháp luật trong triển khai nghiên cứu lập đồ án quy hoạch chung.

Việc xác định một số chỉ tiêu, dự báo phát triển như diện tích, dân số… cần tính toán ở mức cao nhất trong các kịch bản phát triển. Phải phân kỳ rõ ràng trong từng giai đoạn đối với chỉ tiêu sử dụng đất đô thị; cập nhật quy chuẩn quy hoạch ban hành 2019 tại các khu vực phát triển mới và có lộ trình cập nhật đối với các khu vực đô thị cũ, có tính chất cải tạo.

Bộ trưởng đề nghị Hải Phòng chú ý các vấn đề sau khi đồ án quy hoạch chung được duyệt như xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; làm tốt quy hoạch phân khu và điều chỉnh quy hoạch cục bộ…

Hải Phòng cần xác định rõ các công trình trọng điểm trong mọi lĩnh vực và phân kỳ đầu tư, lập danh mục các dự án đầu tư trọng điểm theo quy hoạch trong từng giai đoạn cụ thể.

hai phong phat trien thanh pho cang xanh da trung tam
Đô thị Hải Phòng nhìn từ trên cao.

Bộ trưởng đồng tình với đề xuất của Hải Phòng xem xét đưa nội dung điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải vào dự thảo quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung để Hải Phòng có căn cứ triển khai nhanh các bước tiếp theo.

Sau cùng, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với thành phố Hải Phòng và tư vấn trong việc bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện đồ án. Sau khi hoàn thiện, đồ án đủ các điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng tin tưởng trong tương lai, Hải Phòng sẽ phát triển vượt bậc, đột phá, bền vững, hiệu quả.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load