Theo nguồn tin từ Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương của TP Hải Phòng trong việc tiến hành phương án xây dựng cầu Bính 2 nối huyện Thủy Nguyên với trung tâm TP Hải Phòng theo hình thức đầu tư, hợp tác, công tư (PPP).
Hiện tại Hải Phòng đã có 2 cầu vượt sông Cấm là cầu Kiền và cầu Bính. Cầu Kiền nằm trên QL10 là một trong những chuỗi cầu thuộc dự án cải tạo mở rộng QL10 nằm ở phía thượng lưu sông Cấm. Cầu Bính nối khu vực nội thành với huyện Thủy Nguyên. Theo báo cáo mới nhất của địa phương cho thấy, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của huyện Thủy Nguyên rất cao so với các huyện khác trong địa bàn TP, đã thu hút được nhiều DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào đây. Sự ra đời của KCN, đô thị VSIP cũng thu hút nhiều nhà đầu tư thứ phát tới từ nước ngoài hoặc trong nước.
Cầu Bính 1 đang quá tải.
Vào cuối tháng 7/2010, cầu Bính gặp sự cố nghiêm trọng, 3 chiếc tàu biển đã bị đứt cáp “quật” mạnh vào cầu Bính gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều tháng lưu lượng phương tiện giao thông phải dồn qua cầu Kiền khiến cho cầu này thường xuyên quá tải. Ông Nguyễn Trần Lanh - Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, nếu cầu Bính không gặp sự cố, địa phương vẫn kiến nghị cấp trên cần xây dựng thêm nhiều cầu nối liền 2 bờ nam và bắc sông Cấm. Căn cứ tốc độ phát triển chung TP Hải Phòng, KKT Đình Vũ - Cát Hải, vị trí khu trung tâm hành chính TP Hải Phòng, KCN bắc sông Cấm VSIP tại Thủy Nguyên và vùng lõi đô thị Hải Phòng, việc xây dựng cầu Bính 2 từ trục đường Lê Hồng Phong - Nguyễn Trãi vượt sông Cấm sang Thủy Nguyên rất cần thiết. Cũng trong Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng phát triển huyện Thủy Nguyên trong thời kỳ CNH, HĐH hóa chỉ rõ: Những năm tới Thủy Nguyên trở thành vùng động lực kinh tế, đi đầu CNH, HĐH nông thôn và là hướng phát triển quan trọng của đô thị Hải Phòng.
Còn ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh: Dự án được Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý cho nghiên cứu xây dựng phương án khả thi nhất. Vì vậy chúng tôi đã yêu cầu các nhà tư vấn, thiết kế cần xây dựng phương án để cầu Bính 2 sớm đưa vào xây dựng. Có thế mới đáp ứng được sự phát triển chung của TP và 2 bên bờ sông Cấm, góp phần thúc đẩy phát triển KĐT công nghiệp bắc Sông Cấm và huyện Thủy Nguyên cũng như KKT Đình Vũ - Cát Hải, thu hút đầu tư và mở mang đô thị Hải Phòng sang bờ bắc sông Cấm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Cty AECOM đã trình ra 4 phương án được đưa ra nghiên cứu, trong đó phương án xây dựng cầu Bính 2 với khổ thông thuyền 125m, chiều cao tĩnh không 25m, mỗi chiều 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ, nhịp chính là cầu cáp dây văng, hai đầu có cầu cạn và đường dẫn, 5 trạm thu phí tại bờ nam phía Q.Ngô Quyền, tổng mức đầu tư dự án kể cả giải phóng mặt bằng và xây lắp khoảng 220 triệu USD được đánh giá cao. Việc giải quyết hài hòa giữa việc di dời cảng Hoàng Diệu, các cơ sở đóng tàu phía thượng lưu với việc tiến hành xây dựng cầu Bính 2 được tính đến. Việc cân nhắc khổ thông thuyền và chiều cao tĩnh không cầu rất quan trọng, bởi nó quyết định mức suất đầu tư nhiều hay ít. Bên cạnh đó là nghiên cứu thiết kế nút giao lập thể. Nếu xây dựng nút giao như đầu cầu Chương Dương (Hà Nội) sẽ tiết kiệm quỹ đất phía Q.Ngô Quyền, thay vì phải xây dựng đường dẫn dài tới nút Ngã Sáu Lạc Viên. Mặt khác, cũng tính đến việc thiết kế cầu cất cho tàu biển qua lại theo giờ thủy triều lên, xuống phù hợp để đạt mức suất đầu tư hợp lý mà vẫn giải quyết bài toán giao thông đường bộ, đường thủy phù hợp.
Chủ tịch Dương Anh Điền yêu cầu: Cần nghiên cứu thiết kế cầu có quy mô nhiều làn xe, kiểu dáng đẹp. Đây phải là điểm nhấn của đô thị Hải Phòng, kết nối mật thiết với Dự án đường trục đô thị Hải Phòng do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đường cao tốc ven biển, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Dự án cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện và dự án Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, sân bay quốc tế cấp vùng tại Tiên Lãng trong tương lai. |
Đà Giang
Theo baoxaydung.com.vn