Sau 10 năm thực hiện, nhiều nội dung, nhất là những nội dung cơ bản, trọng yếu của Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng TP Hải Phòng... Hải Phòng từng bước khẳng định được vị trí, vai trò trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng duyên hải Bắc bộ.
Khẳng định vị trí quan trọng trong vùng trọng điểm
Sau 10 năm thực hiện, nhiều nội dung, nhất là những nội dung cơ bản, trọng yếu của Nghị quyết đã được cụ thể hóa vào các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án và được triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả. Hải Phòng từng bước khẳng định được vị trí, vai trò trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng duyên hải Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng phát triển trong những năm tiếp theo. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của TP Hải Phòng cụ thể như sau:
Cụ thể, quy mô kinh tế của TP được mở rộng: GDP năm 2012 đạt gấp 2,8 lần năm 2002; GDP tăng bình quân gần 11%/năm, gấp 1,57 lần mức tăng chung cả nước; tỷ trọng GDP trong GDP cả nước liên tục tăng qua các năm, từ 3,2% năm 2002 lên 4,7% năm 2012; quy mô kinh tế đứng thứ hai ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (sau Thủ đô Hà Nội). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng: Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2012 tăng gấp gần 2,9 lần so với năm 2002, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,09%/năm. Hải Phòng hiện đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp.
Thị trường xuất khẩu được mở rộng tới 82 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2012, tăng bình quân 18%, đứng thứ 3 miền Bắc (sau Hà Nội, Bắc Ninh), đứng thứ 7 cả nước sau (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh). Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị có chuyển biến tích cực. Một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị quan trọng, chiến lược được triển khai làm thay đổi rõ diện mạo đô thị, như: Quốc lộ 10, cầu Bính, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Khu đô thị Ngã 5 - Sân bay Cát Bi.
Tuy nhiên, hiện tại Hải Phòng trong vấn đề quản lý và phát triển đô thị chưa đáp ứng kịp yêu cầu của một đô thị loại I, trung tâm cấp quốc gia, 13 tiêu chí còn thấp hơn tiêu chí của đô thị loại I, chậm được khắc phục. Công tác quản lý quy hoạch còn hạn chế. Một số công trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 - 2015 theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 32 chưa được triển khai như: Xây dựng hạ tầng KĐTM Bắc sông Cấm, di chuyển và xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị TP tại Bắc sông Cấm, Quảng trường và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà tang lễ TP, cầu Cát Hải - Cát Bà, đường sắt điện khí hóa Hà Nội – Hải Phòng, đường vành đai ven biển, Cảng quân sự Nam Đồ Sơn… Vấn đề, huy động từ các nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị còn hạn chế, nhất là các nguồn có tiềm năng như đất, kiều hối và thu hút nguồn vốn của các tập đoàn lớn đầu tư vào Hải Phòng... Việc sử dụng nguồn lực có tiềm năng như đất còn lãng phí, kém hiệu quả; sử dụng các nguồn vốn đầu tư hiệu quả chưa cao, đầu tư vẫn còn dàn trải. Chậm triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng theo các hình thức BT, BTO, PPP - Công tác quy hoạch phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa cao.
Xứng tầm TP trọng điểm vùng duyên hải Bắc bộ
Lãnh đạo TP Hải Phòng đã đề xuất với Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề nghị với Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đối với đô thị loại I, đô thị trung tâm cấp quốc gia (dưới đô thị đặc biệt, hơn đô thị loại 1 cấp quốc gia) về tổ chức bộ máy và cán bộ, tài chính, ngân sách; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép TP nghiên cứu các cơ chế chính sách ưu đãi mới nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng KĐTM Bắc sông Cấm, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư từ nguồn vốn Trung ương để xây dựng khu hành chính - chính trị mới của TP tại khu vực này theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TP Hải Phòng cũng mong muốn Bộ Xây dựng cùng với Bộ KH&ĐT đề nghị Chính phủ Singapore giúp điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Cùng TP Hải Phòng kiến nghị Trung ương Đảng, Chính phủ có chiến lược phát triển các đô thị trung tâm cấp quốc gia. Bộ Xây dựng quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư, định hướng các tập đoàn, TCty thuộc Bộ Xây dựng đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn TP. Tiếp tục giúp đỡ Hải Phòng về mọi mặt trong quá trình thiết kế đô thị; đẩy mạnh việc triển khai các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch đô thị, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Linh Trung
Theo baoxaydung.com.vn