(Xây dựng) - Hải Hà hiện có 2 xã Quảng Sơn, Quảng Đức và 2 thôn là thôn 3 (xã Quảng Thịnh), thôn 7 (xã Quảng Phong) thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Trên 90% dân số của các xã, thôn này là người dân tộc thiểu số. Huyện đã chủ động xây dựng Đề án cấp huyện đưa các xã, thôn ĐBKK hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, đồng thời tập trung hỗ trợ 6 thôn khác thuộc vùng khó khăn của huyện. Hải Hà cũng đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2017-2020, phấn đấu giảm ít nhất 337 hộ nghèo và 94 hộ cận nghèo, trong đó năm 2017 giảm ít nhất 147 hộ nghèo, 80 hộ cận nghèo.
Nhà văn hóa xã Quảng Đức đang được đầu tư sửa chữa.
Chúng tôi có mặt ở Quảng Đức là xã mà từ nhiều năm qua đã rất cố gắng, nỗ lực trong công tác xoá nghèo. Với việc tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, cùng sự đầu tư hỗ trợ từ Chương trình 135, xã đang từng bước để thoát khỏi diện ĐBKK.
Ông Trưởng Chi Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đức cho biết: Cùng với nguồn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xã đã tích cực phối hợp với các ngành của huyện và doanh nghiệp trên địa bàn tạo việc làm cho hộ nghèo. Hiện 300 nhân khẩu của 423 hộ nghèo và cận nghèo của xã đã có việc làm ổn định. 9 tháng đầu năm 2017 có 124 hộ được hưởng thụ từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng mức đầu tư trên 1,2 tỷ đồng. Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng cho công trình đường liên thôn từ Tài Phố đến Mả Thầu Phố và kênh mương tưới tiêu bản Tình Á mới được đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho đời sống của người dân trong xã.
Tuyến đường liên thôn Tài Phố - Mả Thầu Phố xã Quảng Đức vừa được hoàn thành.
Từ trước năm 2010, ở Quảng Sơn, giao thông khó khăn, 100% hộ dân thuộc diện hộ nghèo, đa phần bà con sống trong nhà tạm dột nát. Hiện nay, tất cả đường liên thôn, liên xã của Quảng Sơn đã cơ bản được bê tông hoá, nhiều hộ thoát nghèo và xây dựng được nhà mới. Người dân phát huy thế mạnh rừng đồi, nuôi trồng được nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Niềm vui mới đến với Quảng Sơn khi bản Cấu Phùng nhiều năm bị chia cắt, người dân phải chống mảng qua sông, cuối tháng 4 vừa qua cây cầu bê tông nối bản với trung tâm xã đã được khởi công với tổng đầu tư 2,9 tỷ đồng. Cùng với cầu dân sinh nhiều công trình khác như điểm trường mầm non, kênh mương, đập dẫn nước cũng đang được đầu tư trong năm nay. Xã Quảng Sơn đang tập trung phấn đấu để ra khỏi diện 135 vào năm 2020.
Mô hình nuôi gà của hộ gia đình anh Trần Văn Qúy, thôn Pạc Sủi xã Quảng Sơn giúp gia đình thoát nghèo.
Để đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, Hải Hà tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, các vấn đề về giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường. Song song với đó, trong sản xuất, huyện xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, từ đó nhân rộng, huy động nhân dân cùng tham gia, tăng cường hỗ trợ người dân về con giống, khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ vốn... để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Năm 2017, tổng nguồn vốn Đề án 196 của tỉnh và Đề án 371 của huyện gần 27 tỷ đồng. 9 tháng năm 2017, đã giải ngân được trên 12 tỷ đồng. Nguồn vốn trên hỗ trợ đầu tư 22 công trình hạ tầng và sản xuất. Hiện nhiều công trình đã hoàn thành phát huy hiệu quả như: Đập dâng nước bản Tài Chi; Điểm trường MN Mảy Nháu thuộc trường MN Quảng Sơn (xã Quảng Sơn); Tuyến từ đường Tài Chi đi đội 3 thôn 3 (Quảng Thịnh); Đường trục thôn 7(Quảng Phong)... Hỗ trợ phát triển sản xuất cho 463 hộ mua con giống với tổng vốn trên 3,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu hỗ trợ giống lợn nái, lợn thương phẩm, bò, dê; hỗ trợ trồng cỏ, trồng ngô sinh khối... Hiện đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt góp phần giúp các hộ nghèo tăng thu nhập, có điều kiện tái đầu tư mở rộng sản xuất.
Huyện Hải Hà phối hợp với Công ty Texhong Ngân Hà đưa người dân độ tuổi lao động ở các xã, thôn ĐBKK tham quan tìm hiểu sản xuất tại KCN Texhong Hải Hà.
Cùng với đó, huyện tăng cường vận động, tuyên truyền, giới thiệu, tạo việc làm cho lao động. Trong 9 tháng đầu năm, mở 2 lớp nghề phi nông nghiệp với 63 lao động nông thôn tham gia. Giới thiệu, tạo việc làm mới cho 219 lao động tại các xã, thôn ĐBKK vào làm việc tại khu vực Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, KCN Texhong, Công ty TNHH Phú Lâm. Khuyến khích người dân vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kinh tế, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống từ các chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ việc làm; cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi... Hỗ trợ nước sinh hoạt, téc nước, giếng đào, bể nước cho 168 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn ĐBKK theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Huyện Hải Hà, trao bò giống sinh sản cho các hộ nghèo xã Quảng Phong.
Song song việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, đến nay đời sống kinh tế của người dân các xã, thôn ĐBKK của huyện Hải Hà đã có nhiều thay đổi. Đối với các xã Quảng Sơn, Quảng Đức có lợi thế về phát triển cây ăn quả, huyện Hải Hà đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô 220ha. Các xã này còn có thuận lợi về phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi bò tập trung với quy mô trang trại, gia trại.
Với việc tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội tại các xã ĐBKK của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đang từng bước thoát khỏi Chương trình 135 theo đúng lộ trình Hải Hà đã đặt ra.
PV
Theo