(Xây dựng) - Ngày 23/12/2014, UBND tỉnh Hải Dương có Thông báo số 201/TB-VP, yêu cầu Công ty Xi măng Phúc Sơn tạm dừng khai thác đá vôi tại các điểm xung quanh khu vực bảo vệ di tích khảo cổ quốc gia chùa Nhẫm Dương và các hang động (xã Duy Tân, huyện Kinh Môn).
Khai thác đất, đá khoét vào chân núi gần hang Thánh Hóa ngày 23/12/2014
Chùa Nhẫm Dương được khởi dựng khoảng thế kỷ XIII - XIV, ngoài thờ Phật còn thờ vua Lý Thần Tông. Kết quả nghiên cứu các hang ở đây đã phát hiện nhiều hóa thạch động vất có niên đại từ 3 đến 5 vạn năm; nhiều hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn… Lý do buộc phải tạm dừng khai thác bởi các bên chưa thống nhất được ranh giới điều chỉnh giữa diện tích khai thác mỏ với diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích. Mặt khác, việc khai thác đá vôi trong những năm qua không chỉ tạo cảnh quan nham nhở ở khu vực di tích, khai thác xâm lấn vào “vùng cấm” mà việc nổ mìn khai thác đá còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của chùa, hang động cũng như hoạt động tổng thể của khu di tích.
Công ty Xi măng Phúc Sơn thì cho rằng, hoạt động khai thác đá vôi của mình là tuân thủ theo quy định của pháp luật. Ngày 6/5/1996, Bộ Công nghiệp có Quyết định số 1179/QĐ-QLTN cho phép Công ty Xi măng Phúc Sơn được khai thác mỏ đá vôi tại núi Nhẫm Dương, diện tích 34,23ha, trữ lượng 38,71 triệu tấn, thời hạn 30 năm. Đây là một phần trong tổng số tài sản tỉnh Hải Dương góp 10% vốn với nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh xi măng Phúc Sơn. Ngày 29/10/2003, Bộ Văn hóa - Thông tin có Quyết định số 59/2003/QĐ-BVHTT xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia khu vực chùa Nhẫm Dương và các hang động (xã Duy Tân, huyện Kinh Môn).
Điểm A phía sau hang Thánh Hóa đang bị khai thác tháng 12/2014.
Theo đó, diện tích khai thác mỏ của Công ty Xi măng Phúc Sơn chỉ còn 18,8ha, phần còn lại 15,43ha thuộc phạm vi và hành lang bảo vệ khu di tích khảo cổ. Trên cơ sở đề nghị của Công ty Xi măng Phúc Sơn, thông qua các cấp có thẩm quyền, ngày 23/10/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 2030/QĐ-BTNMT về việc điều chỉnh tọa độ các điểm khép góc khu mỏ và điều chỉnh diện tích mỏ của Công ty Xi măng Phúc Sơn từ 18,8ha xuống còn 17,32ha. Nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương không đồng tình với việc điều chỉnh tọa độ 4 trong tổng số 7 điểm khép góc theo Quyết định số 2030/QĐ-BTNMT bởi không đúng so với Quyết định số 1179/QĐ-QLTN ngày 6/5/1996 của Bộ Công nghiệp.
Chùa Nhẫm Dương (Thánh Quang tự) xã Duy Tân, huyện Kinh Môn.
Quyết định điều chỉnh các điểm khép góc mới cho khu mỏ sẽ dẫn đến việc một số diện tích mỏ đã khai thác sẽ biến thành diện tích thuộc vùng bảo vệ di tích. Một số diện tích hiện đang thuộc vùng bảo vệ di tích sẽ biến thành diện tích mỏ sẽ được khai thác trong thời gian tới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khi tiến hành đo vẽ lại mốc giới khu mỏ, các bên đã không xin ý kiến ngành văn hóa. Mặc dù UBND tỉnh đã có thông báo yêu cầu Công ty Xi măng Phúc Sơn ngừng khai thác đá vôi để xác định chính xác ranh giới giữa khu vực bảo vệ di tích với phần mỏ được phép khai thác, nhưng trên thực địa khu mỏ, qua kiểm tra phát hiện tình trạng khai thác vẫn diễn ra.
Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xác định rành mạch ranh giới giữa khu vực bảo vệ di tích với phần được khai thác đá vôi, để bảo đảm hài hòa giữa phát triển sản xuất của doanh nghiệp với bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa của quốc gia.
Xuân Sơn
Theo