Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, lại có một hệ thống giao thông thuận tiện (gồm đường bộ, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường sông, gần sân bay quốc tế Nội Bài, Cát Bi và nằm trên trục giao thông Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh) cùng hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, Hải Dương đã và đang phát huy lợi thế trong phát triển công nghiệp.
Từ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả
Xác định rõ vai trò trong Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, là vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, là đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía nam - đông nam đồng bằng sông Hồng, Hải Dương đã và đang phát huy lợi thế thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công - nông nghiệp - dịch vụ, năng động trong cơ chế thị trường đầy tính cạnh tranh.
Hướng đi đúng đã được Lãnh đạo tỉnh Hải Dương xác định, trong đó phát triển công nghiệp là khâu đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển toàn diện nền kinh tế. Ban lãnh đạo tỉnh đã đưa ra những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả. Bên cạnh việc rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phù hợp với luật mới, gắn liền với thực tế đặc thù của địa phương, Tỉnh còn tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện giải quyết nhanh gọn mọi thủ tục, không gây phiền hà cho nhà đầu tư, đồng thời thực hiện triệt để, nhất quán chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Công tác quy hoạch đồng bộ các khu công nghiệp được Lãnh đạo tỉnh đặc biệt chú trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng và tỷ lệ lấp đầy các KCN. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa ra những chính sách ưu đãi như tạo điều kiện và hỗ trợ thiết thực cho các DN đang có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường tiếp tục đầu tư mở rộng và phát triển. Những vướng mắc phát sinh của DN được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, giải quyết kịp thời, đặc biệt tỉnh còn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ DN xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào KCN. Tính đến năm 2010, UBND tỉnh đã đầu tư trên 50 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các KCN như hệ thống đường gom, hệ thống cấp nước, thoát nước…
Đến những con số đáng ghi nhận
Bằng những quyết sách đúng đắn và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, Hải Dương đã có bước chuyển mình ngoạn mục, từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu thành tỉnh công nghiệp phát triển, với tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 năm trở lại đây đạt trên 10%/năm; quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 2,5 lần, tổng thu ngân sách Nhà nước tăng gấp hơn 5 lần, thu hút 204 dự án nước ngoài đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 4 tỷ USD; 684 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 24 ngàn tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp tập trung được Chính phủ cho phép quy hoạch xây dựng với diện tích gần 4.000 ha, trong đó có 10 KCN được duyệt quy hoạch, đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng. Vừa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vừa thu hút đầu tư, đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 131 dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN (không kể dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng), với số vốn đăng ký đầu tư 2,1 tỷ USD, chủ yếu là các dự án FDI công nghệ cao thuộc các tập đoàn đầu tư lớn của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Pháp… Đến nay đã có trên 91 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh với kim ngạch xuất khẩu trên 700 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho 4,26 vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Song song với phát triển các KCN, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp (CCN). Đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt, đầu tư xây dựng 38 CCN với tổng diện tích quy hoạch 1.700 ha, trong đó, thị xã Chí Linh 7 CCN, Bình Giang có 5 CCN, các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Thanh Miện, Kinh Môn và TP Hải Dương mỗi địa phương có 3 CCN.
Phát triển đi vào chiều sâu
Mặc dù phát triển nhanh và thu hút lớn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhưng quan điểm của tỉnh Hải Dương rất rõ ràng: Không phát triển công nghiệp bằng mọi giá, không phát triển quá nhanh mà thiếu bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, vấn đề phát triển bền vững, phát triển có chiều sâu đã được đặt ra.
Hải Dương sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; tập trung đầu tư chiều sâu, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 14,7% trở lên, trong đó công nghiệp tăng 15%/năm trở lên. Duy trì hoạt động và đầu tư chiều sâu để phát huy tối đa công suất của các cơ sở công nghiệp hiện có, tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các dự án công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đi vào hoạt động.
Theo ông Bùi Thanh Quyến - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, trong giai đoạn tới, Hải Dương sẽ tiếp nhận có chọn lọc các dự án đầu tư. Những dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, không gây ô nhiễm môi trường, dự án có quy mô lớn, trình độ công nghệ hiện đại, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ sẽ được ưu tiên đầu tư. Tỉnh sẽ kiên quyết không tiếp nhận những dự án gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường. Phấn đấu đến năm 2020, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển.
Nhật Minh
Theo baoxaydung.com.vn