Bằng những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, sự năng động và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh ủy, đặc biệt là Ban Thường vụ tỉnh ủy, sự vào cuộc của nhiều cấp ngành, trong những năm qua, Hải Dương đã trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư lớn, với tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 2000 - 2005.
Khẳng định vai trò trong “bản đồ” công nghiệp Việt Nam
Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, lại có một hệ thống giao thông thuận tiện (gồm đường bộ, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường sông, gần sân bay quốc tế Nội Bài, Cát Bi và nằm trên trục giao thông Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh) cùng hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, Hải Dương đã và đang phát huy tiềm năng thế mạnh trong phát triển công nghiệp.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng trong Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội xác định rõ: Vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ sẽ được xây dựng tập trung trên trục kinh tế giữa đô thị hạt nhân TP Hà Nội với TP Hải Phòng và TP Hạ Long. Trong đó, đô thị Hải Dương đóng vai trò là đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía Nam - Đông Nam Đồng bằng sông Hồng. Với vai trò quan trọng như vậy, Hải Dương đã và đang khẳng định được vị thế trên “bản đồ” công nghiệp Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của Hải Dương luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tổng sản phẩm năm 2010 tăng gấp 2,3 lần so với năm 2005, với mức tăng bình quân 9,8%. Bên cạnh việc thu hút các nguồn vốn trong nước thì đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt mức tăng trưởng hiệu quả. Riêng năm 2009, tỉnh Hải Dương thu hút mới được 213 triệu USD, nhưng các dự án đã đăng ký vốn đầu tư thực hiện được 268,5 triệu USD. Điều đáng nói là trong những năm qua, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp FDI vẫn đạt 1.438 triệu USD, tăng 26,8% so với năm 2008. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 204 dự án FDI còn hiệu lực của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký 2.532 triệu USD.
Chính sách thu hút đầu tư hiệu quả
Để có được kết quả đáng ghi nhận đó, Ban lãnh đạo tỉnh đã đưa ra những quyết sách, chính sách thu hút đầu tư hiệu quả. Hải Dương luôn coi phát triển công nghiệp là khâu đột phá nhằm tạo đà thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Vì vậy, bên cạnh việc rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phù hợp với luật mới, gắn liền với thực tế đặc thù của địa phương, tỉnh còn tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện giải quyết nhanh gọn mọi thủ tục, không gây phiền hà cho nhà đầu tư, đồng thời thực hiện triệt để, nhất quán chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Hải Dương còn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh các loại hình kinh tế dân doanh.
Công tác quy hoạch đồng bộ các khu công nghiệp được lãnh đạo tỉnh đặc biệt chú trọng. Quy hoạch đi trước một bước, không chỉ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, cụ thể hóa các kế hoạch phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng và tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Bên cạnh việc hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng, Hải Dương tiếp tục có chính sách ưu tiên, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh còn đưa ra những chính sách ưu đãi như tạo điều kiện và hỗ trợ thiết thực cho các DN đang có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường tiếp tục đầu tư mở rộng và phát triển. Đồng thời, những vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
Chính sách thu hút đầu tư đã khẳng định được hiệu quả và vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đồng thời đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hướng đến phát triển bền vững
Mặc dù phát triển nhanh và thu hút lớn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhưng quan điểm của tỉnh Hải Dương rất rõ ràng: Không phát triển công nghiệp bằng mọi giá, không phát triển quá nhanh mà thiếu bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, vấn đề phát triển bền vững, phát triển có chiều sâu đã được đặt ra.
Theo ông Bùi Thanh Quyến - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương, trong giai đoạn tới, Hải Dương sẽ tiếp nhận có chọn lọc các dự án đầu tư. Những dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, không gây ô nhiễm môi trường, dự án có quy mô lớn, trình độ công nghệ hiện đại, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ sẽ được ưu tiên đầu tư. Tỉnh sẽ kiên quyết không tiếp nhận những dự án gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường.
Vấn đề tái định cư và sử dụng lao động tại chỗ được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng quy định, tỉnh còn hỗ trợ, đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt ưu tiên lao động trong gia đình bị thu hồi đất vào lao động tại các khu công nghiệp, giúp người dân địa phương thực sự yên tâm.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, Hải Dương đang thực sự chủ động và triển khai các chính sách đầu tư hiệu quả, trở thành một địa phương lớn hấp dẫn đầu tư. Dấu ấn cũng như vai trò của Hải Dương trên bản đồ công nghiệp Việt Nam đã và đang ngày càng được khẳng định.
Huyền Vũ
Theo baoxaydung.com.vn